Tiếng Việt | English

17/08/2015 - 17:26

Vất vả chuyện mưu sinh

Họ là những người không có đất đai, không nghề nghiệp ổn định và trình độ học vấn hạn chế nên đành đi làm thuê, làm mướn để có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.

Nhiều phụ nữ nông thôn vẫn chọn nghề " Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để mưu sinh

Đa phần họ đều có hoàn cảnh khó khăn, đông con. Chị Phạm Thị Bạn, 43 tuổi, ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa cho biết: “Tôi có 4 đứa con, chồng bị tai nạn mất cách đây hơn 1 năm, đứa con lớn đang học lớp 8 phải nghỉ học đi làm kiếm tiền giúp mẹ. Cha mẹ tôi cũng nghèo, cho miếng đất đủ để cất cái nhà nên gia đình không có miếng đất cắm dùi. Hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày. Nay chồng tôi chết, mọi gánh nặng dồn lên vai tôi, 3 đứa con nhỏ lại đang tuổi ăn, tuổi học, số tiền làm mướn cũng chỉ đủ lo cơm ngày 2 bữa”.

Bà Nguyễn Thị Khanh, 56 tuổi, ở ấp Đức Hạnh 1, xã Đức Lập Hạ cho rằng: “Những người làm mướn hiện nay rất khó tìm việc, chúng tôi bán sức lao động đổi lấy miếng cơm, manh áo hàng ngày. Nhìn vậy chứ những ai không quen là không thể… trụ nổi đâu, vì phải đội nắng, dầm mưa, còng lưng cả ngày. Tiền công bình quân của những người làm mướn như tôi chỉ từ 170.000-200.000 đồng/ngày. Số tiền người ta trả công còn tùy thuộc vào hiệu quả công việc nữa. Có những việc tính tiền công bằng ngày, có những việc chủ nhà khoán theo năng suất”.

Dầm mưa dãi nắng, lội bùn sình suốt cả ngày như thế, nhưng chỉ nhận lại được một khoản tiền công ít ỏi. Chị Trần Thị Tư, 50 tuổi, ở xã An Vĩnh Ngãi, chia sẻ: “Hàng ngày, tôi phải dậy từ 3 giờ rưỡi sáng, nấu cơm để vợ chồng ăn lót dạ, và để sáng sớm 2 đứa con dậy có cơm ăn đi học. Sau đó, vợ chồng tôi đi làm đồng, tùy theo mùa vụ, cắt lúa mướn hay giặm lúa, nhổ cỏ theo mùa vụ. Mỗi ngày làm việc như vậy, được khoảng từ 170.000 đến 180.000 đồng/người. Làm lụng vất vả quanh năm nhưng cũng không dư được gì, hai vợ chồng nuôi 2 đứa con bằng nghề làm mướn như chúng tôi vất vả lắm. Đó là chưa kể nếu không may một người ngã bệnh, thì thu nhập của người còn lại cũng không thể nào lo nổi”.

Hầu hết những người dân ở nông thôn đi làm mướn mà chúng tôi gặp đều ít khi đi một mình, họ thường đi chung một nhóm khoảng 4-5 người. Phần đông họ là những chị em họ hàng với nhau, có khi là những người chung xóm có hoàn cảnh khó khăn nên chọn nghề làm mướn để sinh nhai.

Bà Lê Thị Nhiễn, 57 tuổi, ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ cho biết: “Trong xóm tôi có khoảng hơn 10 chị em sống bằng nghề làm mướn. Chúng tôi đều lớn tuổi rồi, khó xin việc làm nào khác nên đành chấp nhận ai kêu gì làm nấy”.
Nếu ai có dịp theo chân những người đi làm thuê, làm mướn ở nông thôn mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn mà họ phải nếm trải. Những người chúng tôi gặp, bất kể đàn ông hay đàn bà đều có đặc điểm chung là sức khỏe dẻo dai và một mơ ước giản dị: Có người thuê đi làm mỗi ngày đã là hạnh phúc. Tất cả cũng vì cuộc mưu sinh./.

Song Hồng
 

Chia sẻ bài viết