Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ cắt băng tiếp nhận máy bay Boeing 787-9 đầu tiên
Vietnam Airlines nhận chiếc Boeing 787-9 đầu tiên, hàng loạt thỏa thuận mua sắm và tài trợ vốn trong các lĩnh vực hàng không, năng lượng, tài chính… được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là những chỉ dấu cụ thể và rõ ràng về sự phát triển vượt bậc trong quan hệ kinh tế giữa hai nước trong 20 năm qua.
Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, Anthony Nelson đánh giá: “20 năm qua đã chứng kiến một sự thay đổi vô cùng ngoạn mục trong quan hệ kinh tế Việt-Mỹ. Các con số thống kê chính thức cho thấy Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là thị trường quan trọng nhất đối với các nhà sản xuất Việt Nam. 20 năm là khoảng thời gian không dài và chúng ta biết rằng các công ty lớn của Mỹ thường rất chậm rãi và thận trọng trong đầu tư. Họ đi dần từng bước để đảm bảo rằng vốn đầu tư được sử dụng một cách an toàn và hiệu quả. Việc chỉ trong 20 năm mà Việt Nam đã có thể làm an lòng các nhà đầu tư nước ngoài thực sự là điều đáng chú ý. Quy mô quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy là một thành tựu không thể tin nổi”.
Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 70 lần, từ 500 triệu USD lên tới 35 tỷ USD vào năm 2014. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào Mỹ các mặt hàng như thủy sản, dệt may, giày dép và đồ gỗ trong khi nhập khẩu từ Mỹ máy móc, thiết bị, linh kiện và công nghệ. Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu dệt may và giày dép lớn thứ 2 sau Trung Quốc và đứng thứ 4 về xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm 2015.
Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, Anthony Nelson
Theo Thượng nghị sỹ John McCain, thành quả hợp tác kinh tế Việt-Mỹ là điều rất đáng tự hào: “Nhìn một cách tổng thể thì thương mại Việt-Mỹ đã tăng trưởng một cách đầy ấn tượng và liên tục được cải thiện. Tôi cho rằng chúng ta cần tự hào về quan hệ thương mại giữa hai nước”.
Trong khi đó, ông Murray Hiebert, cựu phóng viên kinh tế của Nhật báo Phố Wall và hiện là chuyên gia kinh tế và an ninh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) đưa ra một dẫn chứng cụ thể và đầy thuyết phục về sự phát triển của thương mại song phương.
“Mỗi khi đi mua sắm tại các cửa hàng bách hóa trong khu vực Washington, tôi thấy tất cả quần áo dành cho nam giới đều sản xuất tại Việt Nam, thay vì Trung Quốc như trước kia. Đó là tiến triển rõ rệt mà tôi tận mắt chứng kiến”, ông Murray Hiebert nhận định.
Mỹ hiện đứng thứ 7 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 13 tỷ USD. Rất nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Coca-Cola, Nike, Microsoft hay Citygroup đều đã có mặt tại Việt Nam và đang tiếp tục mở rộng hoạt động.
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Vietjet Air và Tập đoàn tài chính JP Morgan
Phó Chủ tịch tập đoàn Boeing, Ray Corner đánh giá thị trường Việt Nam đang mở ra cơ hội kinh doanh lớn: “Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và cùng với đó là nhu cầu đi lại sẽ tăng cao. Đó sẽ là cơ hội của chúng tôi và chúng tôi phải nắm bắt được cơ hội đó”.
Theo ông Lê Công Tiến, Tham tán -Trưởng phóng kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, các nhà đầu tư Mỹ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam: “Điều quan trọng là các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam đều là những nhà đầu tư rất có tiềm lực tài chính, khoa học-công nghệ trong những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam như năng lượng, công nghệ cao, ngân hàng, bảo hiểm…Đây là những lĩnh vực đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng dài hạn cũng như quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của Việt Nam”.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Việt-Mỹ vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng do một số yếu tố. Trong khi các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính thì cho đến nay, chính phủ Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đồng thời tạo ra không ít rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như áp thuế chống bán phá giá hay lập Văn phòng giám sát cá da trơn, một cơ quan tốn kém, chồng chéo chức năng với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), với những tiêu chuẩn nuôi trồng khắt khe mà những nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam phải mất nhiều năm mới có thể đáp ứng được.
Thượng nghị sỹ John McCain trả lời phỏng vấn phóng viên VOV
Quyết định thành lập văn phòng này đã được Thượng nghị sỹ John McCain mô tả là biện pháp bảo hộ mậu dịch điển hình của Mỹ: “Đó là điều đáng xấu hổ. Văn phòng Giám sát cá da trơn tiêu tốn của người đóng thuế Mỹ 15 triệu USD/năm một cách vô nghĩa. Đây là một ví dụ tồi tệ nhất của chính sách bảo hộ thương mại. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và rào cản này sẽ bị dỡ bỏ một ngày nào đó".
Bất chấp những trở ngại trên, quan hệ kinh tế Việt-Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Sau khi xây dựng nhà máy tại thành phố Hồ Chí Minh, hãng chế tạo chip bán dẫn hàng đầu thế giới Intel đang có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất trị giá 1 tỷ USD từ Costa Rica cũng như một số hoạt động sản xuất từ Malaysia sang Việt Nam. Microsoft cũng đang vận hành nhà máy sản xuất điện thoại thông minh trị giá 300 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh và dự kiến sẽ chuyển cơ sở sản xuất từ các nước khác về Việt Nam nhằm đưa Việt Nam trở thành “tổng hành dinh” sản xuất điện thoại của hãng công nghệ khổng lồ. Với những động thái của Intel và Microsoft, giới phân tích cũng đang dự đoán Apple sẽ không chậm chân hơn nữa tại thị trường Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Murray Hiebert nhận định: “Trong tương lai, Việt Nam và Mỹ cần tăng cường trao đổi công nghệ cao trong bối cảnh Việt Nam đang là một nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn. Intel đã có mặt ở đây và đầu tư cơ sở sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh. Sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ cao và Việt Nam có thể trở thành một nguồn sản xuất thay thế Trung Quốc. Tôi hy vọng sẽ được thấy một chiếc iPhone sản xuất tại Việt Nam, có thể là iPhone 7. Chúng ta hãy chờ xem”.
Việt Nam và Mỹ hiện đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tự do thương mại chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu. Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, Anthony Nelson cho rằng nếu trở thành hiện thực, TPP sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư Mỹ hơn nữa.
“TPP bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…những lĩnh vực mà các công ty Mỹ tỏ ra khá thận trọng khi hoạt động tại Việt Nam. Hiệp định này sẽ giúp tạo ra một môi trường an toàn hơn nữa để các doanh nghiệp Mỹ an tâm đầu tư vào Việt Nam”, ông Anthony Nelson cho biết.
Ông Lê Công Tiến, Tham tán - Trưởng phòng kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ
Chia sẻ quan điểm trên, Tham tán - Trưởng phòng kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Lê Công Tiến tin rằng Mỹ sẽ sớm trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
“Trong thời gian tới, với triển vọng của TPP cũng như những tiêu chuẩn mà hiệp định này đem lại trong gắn kết thị trường Việt Nam với thị trường Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì đó sẽ là cú hích rất lớn đối với các nhà đầu tư Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius nói rằng ông mong muốn Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam”, ông Tiến nói./.
Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV - Washington