“Đề nghị thủ trưởng các đơn vị thông tin, tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh và chính quyền địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; không quá lo lắng và quyết tâm thực hiện tốt trong thời gian tới". Đó là chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Thanh Tiệp tại Hội nghị triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới vào ngày 28/12/2017 do Sở GD&ĐT tổ chức.
Chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, cấp THCS từ năm học 2020-2021, cấp THPT từ năm học 2021-2022. Cụ thể: Năm học 2019-2020 áp dụng với lớp 1; năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 2 và lớp 6; năm học 2021-2022 áp dụng với lớp 2, lớp 7, lớp 10; năm học 2022-2023 áp dụng với các lớp: 4, 8, 11; năm học 2023-2024 áp dụng với các lớp: 5, 9 và 12.
Theo đó, để sẵn sàng áp dụng chương trình, SGK mới, ngành GD&ĐT tỉnh có những bước chuẩn bị về chủ trương, nhân sự, cơ sở vật chất. Hiện, toàn tỉnh có 440 cơ sở giáo dục phổ thông công lập với tổng số 264.372 học sinh và 13.599 giáo viên, 990 cán bộ quản lý. Trong đó, toàn tỉnh có 6.598 phòng học từ cấp tiểu học đến THPT; 890 phòng học bộ môn; 488 thư viện và các thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đó là những bước chuẩn bị ban đầu của ngành GD&ĐT trước khi áp dụng chương trình, SGK mới.
Ngành đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tăng cường công tác truyền thông về đổi mới chương trình, SGK mới; tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương. Ngoài ra, ngành thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả, đáp ứng chương trình, SGK mới; đồng thời phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục và đổi mới công tác quản lý GD&ĐT./.
Ngọc Sương