Sau 5 năm triển khai thí điểm mô hình dạy toán và các môn khoa học khác bằng tiếng Anh trong các trường THPT chuyên giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu ban đầu đặt ra 30% các trường THPT tại các thành phố lớn dạy toán hoàn toàn bằng tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chưa đạt được.
E ngại khi trình bày bài giảng
Năm 2010-2015, Bộ GD-ĐT đã cho phép triển khai thí điểm dạy toán bằng tiếng Anh trong 30% các trường THPT ở các thành phố lớn. Mỗi năm, tăng lên từ 15%-20% số trường. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay cả nước mới chỉ có khoảng hơn 30 trường THPT chuyên và không chuyên dạy các môn khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ. Cách dạy cũng chỉ xen kẽ với thời lượng ít, không hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Nguyên nhân do chưa có sự chuẩn bị về giáo viên khi áp dụng đề án vào các trường học. Giáo viên tiếng Anh không thể dạy các môn khoa học tự nhiên vì thiếu kiến thức chuyên môn. Còn giáo viên dạy toán và các môn khoa học tự nhiên lại rất hạn chế về tiếng Anh. Có một số ít giảng viên ở các trường ĐH vừa có kiến thức về chuyên môn vừa có khả năng tiếng Anh tốt nhưng các thầy cô này cũng chỉ là các giáo viên mời giảng nên khó gắn bó lâu dài với các trường THPT chuyên.
Để dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh, giáo viên cần vượt qua được rào cản về ngoại ngữ lẫn chuyên môn Ảnh: TẤN THẠNH
Cô Trần Thị Anh Đào - giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng - cho biết: Giáo viên giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với các bài giảng bằng tiếng Anh. Hầu hết họ chỉ được đào tạo từ các trường ĐH sư phạm về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ hoàn toàn là tự rèn luyện, học tập nên chất lượng không đồng đều. Để soạn giáo án cho một tiết dạy thường mất từ 7 - 10 ngày. Bên cạnh đó, người dạy còn phải thiết kế bài giảng sao cho đơn giản, dễ hiểu, phù hợp cho học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản. “Một thực tế là nhiều học sinh các trường chuyên có tư duy tốt, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên nên khả năng tiếp thu môn học này bằng tiếng Anh khá tốt. Nhiều em có quá trình học ngoại ngữ nhiều năm ở các lớp học dưới nên kiến thức của các em về môn học lẫn ngoại ngữ đều rất phong phú. Trước thực tế này, nhiều giáo viên tỏ ra e ngại khi trình bày bài giảng với các học sinh” - cô Anh Đào bày tỏ.
Khó nâng cao trình độ
Thầy Nguyễn Thành Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội), chia sẻ thực trạng ở trường mình: Học sinh quá giỏi ngoại ngữ là một thử thách khi các thầy cô giáo dạy môn khoa học tự nhiên chỉ được đào tạo ở trường sư phạm về chuyên môn. Theo khảo sát đầu vào lớp 10 hằng năm của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, học sinh của trường thường đạt đến khung B1 theo khung tham chiếu châu Âu. Trong khi trình độ này, giáo viên dạy các môn khoa học hay môn toán cũng chưa đạt được. Đó là một thách thức lớn. Trường đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này như đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài.
Thầy Nguyễn Quang Nam, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, cũng cho biết thêm trình độ ngoại ngữ của thầy không giỏi hơn học trò. “Nửa năm nay, tôi phải lọ mọ cắp sách đến các trung tâm để học nâng cao tiếng Anh nhưng khổ nỗi ở đó họ không dạy tiếng Anh chuyên ngành tôi cần nên cũng rất khó để vận dụng” - thầy Nam chia sẻ.
Nhiều giáo viên bày tỏ nguyện vọng được Bộ GD-ĐT tổ chức đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, có chính sách động viên giáo viên cũng như đưa môn tiếng Anh vào thi cử, đánh giá để thúc đẩy học sinh học tập. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho các thầy cô đứng lớp cũng phải được cải thiện.
Trước thực trạng này, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT - cho rằng các giáo viên không nên áp đặt tâm lý phải giỏi hơn trò, nhất là ở môn ngoại ngữ. Các giáo viên cần tạo môi trường thân thiện giúp học sinh có hứng thú học và tiếp thu bài giảng được dễ dàng, đưa tiếng Anh chuyên ngành gần gũi với học sinh, giúp học sinh vượt qua được rào cản về tiếng Anh chuyên ngành, đưa một số hoạt động vào bài giảng, đặc biệt là hoạt động nhóm, để các em giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ để nâng cao kiến thức./.
Nguồn: Nguyệt Hà/Người lao động