Khám sức khỏe tiền hôn nhân vừa bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc của các cặp vợ chồng, vừa nâng cao chất lượng dân số
Hoạt động thiết thực
Năm 2017, các huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình “Cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho công nhân” đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, có 59 cuộc nói chuyện chuyên đề với 5.083 lượt người dự. Về gói dịch vụ KHHGĐ (dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, thuốc viên, bao cao su) thực hiện được 872 ca. Gói dịch vụ phòng, chống viêm nhiễm đường sinh dục, thực hiện khám phụ khoa 5.508 ca, soi tươi 2.485, test VIA 3.646 ca, siêu âm 2.329 ca và điều trị 3.106 ca.
Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về DS và Ngày DS Việt Nam 26/12, tại tỉnh, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành DS phối hợp tổ chức míttinh hưởng ứng Ngày DS Việt Nam lồng ghép trao thưởng cuộc thi Sáng tác câu chuyện truyền thanh về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đồng thời, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các trục đường chính ở TP.Tân An.
Ngành DS tiếp tục phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn Khu công nghiệp, Trung tâm DS-KHHGĐ, trung tâm y tế các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc tổ chức tập huấn công tác DS-SKSS cho cán bộ, hội viên; in sổ tay tuyên truyền về lựa chọn biện pháp tránh thai, nhiễm khuẩn đường sinh sản, những điều quan trọng dành cho thanh niên trẻ,... cung cấp cho công nhân khu, cụm công nghiệp.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Long An - Thạc sĩ Trần Thị Liễu nhận định: “Tháng hành động Quốc gia về DS và Ngày DS Việt Nam 26/12 là dịp tăng cường cam kết của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và huy động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt hơn chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ nhằm đạt mục tiêu “Ổn định quy mô, cơ cấu DS; phân bổ dân cư hợp lý và từng bước nâng cao chất lượng DS, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Sàng lọc trước sinh có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân trẻ, gia đình và xã hội, tránh được những hậu quả không đáng có
Huy động sự tham gia của toàn xã hội
Hưởng ứng tháng hành động này, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ, trong đó, Tân Hưng và Tân Trụ là 2 địa phương có nhiều hoạt động thiết thực.
Tại Tân Hưng, Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch tổ chức Chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng DS (gọi tắt chiến dịch). Chiến dịch được tổ chức từ ngày 01 đến 31/12/2017 trên địa bàn 12 xã, thị trấn trong toàn huyện.
Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tân Hưng - Bùi Thị Hồng thông tin: “Chiến dịch nhằm bảo đảm 100% thai phụ đến điểm sàng lọc lần 1 hoặc lần 2 thực hiện siêu âm sàng lọc trước sinh; 100% trẻ sinh ra tại cơ sở y tế trên địa bàn huyện được xét nghiệm sàng lọc sơ sinh. Trung tâm y tế, trạm y tế có cơ sở kỹ thuật dịch vụ thực hiện đặt dụng cụ tử cung. Phấn đấu, trong tháng hành động có 80 thai phụ sàng lọc trước sinh, 43 trẻ sàng lọc sơ sinh và 30 phụ nữ thực hiện biện pháp KHHGĐ bằng dụng cụ tử cung”.
Cán bộ chuyên trách DS xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng - Ngô Thị Kim Tuyến cho biết: “Toàn xã có 21 cộng tác viên DS - gia đình và trẻ em. Thực hiện tháng hành động, chúng tôi tập trung rà soát, lập danh sách thai phụ cần vận động và những phụ nữ dự kiến sinh con, giao chỉ tiêu cho từng cộng tác viên phụ trách địa bàn trực tiếp tham gia các cuộc nói chuyện chuyên đề, tư vấn, họp nhóm, vãng gia,...”.
Ngoài ra, Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,... tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về chăm sóc thai phụ, ý nghĩa việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh; cấp phát tờ rơi, họp nhóm vận động thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Sàng lọc sơ sinh với biện pháp lấy máu gót chân nhằm phát hiện một số bệnh lý và dị tật cũng như bệnh bẩm sinh ở trẻ
Chị Trần Thị Ngọc Diễm, ngụ khu phố Gò Thuyền, thị trấn Tân Hưng, chia sẻ: “Qua tuyên truyền, tôi biết được lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Vì vậy, 2 lần mang thai, tôi đều chăm sóc tiền sản ngay từ 3 tháng đầu thai kỳ và duy trì khám định kỳ đến ngày sinh”.
Tân Trụ cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động; triển khai các nội dung của tháng hành động lồng ghép các mô hình nâng cao chất lượng DS: Lợi ích sàng lọc trước sinh, sơ sinh; lợi ích tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; CSSKSS vị thành niên/thanh niên; mô hình “Xã, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên”. Đồng thời, tuyên truyền về tác hại của tảo hôn; CSSK người cao tuổi dựa vào cộng đồng; những thuận lợi, khó khăn, ảnh hưởng của mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa DS và chất lượng DS thấp đối với phát triển KT-XH,...
Tuyến xã tổ chức các hoạt động tư vấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ; treo băng rôn những khu vực đông dân cư, các tuyến đường chính; rà soát, quản lý chặt chẽ các cặp vợ chồng có 2 con một bề; nam/nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn,... để có biện pháp tư vấn, vận động thực hiện chính sách DS và khám sức khỏe tiền hôn nhân;...
Anh Lê Văn Việt, ngụ ấp Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, bày tỏ: “Vợ chồng tôi luôn quan niệm “Dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”. Hiện nay, 2 con gái tôi đều ăn học thành đạt. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không nên siêu âm để lựa chọn giới tính thai nhi. Các hộ gia đình có con một bề cũng không nên có cái nhìn thiển cận mà điều quan trọng là cha mẹ phải làm gương để con noi theo và phải có trách nhiệm nuôi dạy con trở thành người có ích cho xã hội”.
Tháng hành động này được tổ chức thường niên nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ. Tất cả vì mục tiêu chăm lo ngày càng tốt hơn sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, từng bước nâng cao chất lượng DS Việt Nam cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Năm 2017, Long An thực hiện sàng lọc trước sinh cho 17.777/18.251 thai phụ (đạt trên 97% kế hoạch) và sàng lọc sơ sinh 18.101/18.251 trẻ (đạt trên 99% kế hoạch). Sàng lọc trước sinh và sơ sinh có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân trẻ, gia đình và xã hội, tránh được những hậu quả không đáng có. Chính vì thế, thai phụ nên tiến hành những xét nghiệm cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt thai kỳ để được tư vấn và hỗ trợ về sức khỏe của mẹ và bé.
Sàng lọc trước sinh nhằm chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do hiện tượng rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như hội chứng Down, Ewards và dị tật ống thần kinh,... Sàng lọc sơ sinh với biện pháp lấy máu gót chân trẻ 48 giờ sau sinh nhằm phát hiện một số bệnh lý và dị tật cũng như bệnh bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD hay suy giáp bẩm sinh,... ./.
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương