Tiếng Việt | English

28/06/2017 - 11:09

Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa

"Văn hóa (VH) vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Phát triển VH vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển VH. Trong xây dựng VH, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".

Hội thi gia đình văn hóa - nơi giao lưu, gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, giữ gìn danh hiệu gia đình văn hóa Ảnh: Thùy Hương

Gia đình (GĐ) là một trong các thiết chế cơ bản để thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với ý nghĩa quan trọng đó, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày GĐ Việt Nam.

Những năm qua, việc giáo dục VH GĐ để xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia, tạo hiệu quả chính trị - xã hội rộng lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 97,6% hộ đạt GĐVH. Các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện bình xét GĐVH đúng quy trình, công khai, dân chủ, bảo đảm 3 tiêu chuẩn GĐVH. Phong trào xây dựng GĐVH góp phần phát triển KT-XH, ổn định cuộc sống GĐ; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh nơi công cộng; thực hiện tốt kế hoạch hóa GĐ, tích cực phòng, chống bạo lực GĐ; đoàn kết xóm làng, tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất hoặc lúc gặp khó khăn, hoạn nạn; tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, nhân đạo nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng GĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mọi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Bên cạnh việc phát huy những giá trị tốt đẹp của VH GĐ thì thực tế VH GĐ có nhiều biểu hiện chưa tốt. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh đến các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Mâu thuẫn giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đặt ra những thách thức mới. Nhiều tệ nạn xã hội: Ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, đại dịch HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào nhiều GĐ. Nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của GĐ: Hiếu nghĩa, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, kính trên, nhường dưới, thủy chung,... có những biểu hiện xuống cấp. Nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí và chức năng của VH GĐ trong giai đoạn hiện nay có nhiều biểu hiện lệch chuẩn so với quy định. Nhiều GĐ mãi lo tập trung làm kinh tế mà quên đi chức năng giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của VH GĐ. Có nhiều hiện tượng đau lòng về con cháu đối xử tệ bạc với ông bà, cha mẹ; anh em đối xử với nhau thiếu tôn trọng; trẻ em vi phạm pháp luật; nạn bạo lực GĐ có tính chất nghiêm trọng và số vụ án ly hôn có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, trong 3 năm (từ 01/01/2014 đến 31/12/2016), Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thụ lý và giải quyết sơ thẩm 13.812 vụ án ly hôn, trong đó có 246 vụ ly hôn do bạo lực GĐ. Thống kê của Công an tỉnh, năm 2016, có 4 vụ bạo lực GĐ nghiêm trọng, tăng 2 vụ so với năm 2015.

Tăng cường giáo dục VH GĐ để nâng cao chất lượng xây dựng GĐVH là yêu cầu cấp thiết. Để giáo dục VH GĐ, nâng cao chất lượng xây dựng GĐVH đạt hiệu quả thiết thực, cần quan tâm tập trung một số nội dung trọng tâm:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về VH và công tác GĐ, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chăm lo giáo dục VH GĐ, nâng cao chất lượng GĐVH. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Công văn số 502-CV/TU, ngày 20/8/2016 của Tỉnh ủy về việc nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH”; Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong GĐ. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, VH, xã hội của từng đơn vị, địa phương.

Tuyên dương gia đình văn hóa góp phần nhân rộng phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh

Hai là, đề cao trách nhiệm của các GĐ trong việc giáo dục VH, đời sống GĐ. Cung cấp đến từng GĐ các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử mối quan hệ giữa các thành viên trong GĐ; vận động các GĐ tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở. Trong giáo dục VH, đời sống GĐ phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của GĐ Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ; sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Ba là, xây dựng và nhân rộng các mô hình GĐVH tiêu biểu, có nền nếp ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; cần tiếp thu và dự báo những biến đổi về GĐ trong thời kỳ mới, đề xuất hướng giải quyết những thách thức trong lĩnh vực GĐ; thực hiện một cách sáng tạo những bài học kinh nghiệm, kiên quyết không để tái diễn những tồn tại, hạn chế mang tính chủ quan. Thường xuyên tổng kết, sơ kết, đánh giá kết quả các giải pháp nâng cao chất lượng GĐVH.

Bốn là, phải có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng GĐVH kết hợp phương châm đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ cho phát triển VH, xây dựng con người, tạo nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội.

Năm là, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức VH GĐ, giáo dục đời sống GĐ cho cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn phong trào xây dựng GĐVH, nhằm trang bị kiến thức, nâng cao chất lượng xây dựng GĐVH theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những thông tin, sản phẩm VH xấu ảnh hưởng đến sự phát triển của VH và GĐ.

Tăng cường giáo dục VH GĐ, nâng cao chất lượng GĐVH sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững kinh tế, VH, xã hội của tỉnh./.

Nguyễn Anh Dũng (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

Chia sẻ bài viết