Tiếng Việt | English

15/06/2023 - 10:07

Nâng cao chất lượng lúa gạo

Sau gần 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, cơ cấu giống lúa trên địa bàn tỉnh Long An đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Những giống lúa có phẩm chất thấp được thay thế bằng giống lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Tăng diện tích lúa chất lượng cao

Với mục tiêu đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương và nông dân đã và đang đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao. Diện tích gieo sạ lúa hàng năm của tỉnh gần 500.000ha, năng suất trung bình từ 6,5-7 tấn/ha, sản lượng trên 2,8 triệu tấn.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn chuyển đổi từ các giống lúa chất lượng thấp sang lúa chất lượng cao. Cụ thể, vụ Đông Xuân 2022-2023 vừa qua, nông dân ưu tiên lựa chọn các giống thuộc nhóm lúa thơm, đặc sản và lúa nếp chiếm gần 53%, các giống thuộc nhóm lúa chất lượng cao chiếm 45%.

Nông dân chọn các giống lúa chất lượng cao để gieo sạ trong vụ Hè Thu 2023

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Thịnh Phát (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) - Trần Trung Lắm cho biết: “HTX sản xuất giống lúa ST24 từ năm 2017 đến năm 2019; từ năm 2022 đến nay, chuyển sang giống lúa ST25. Đây là giống lúa có giá trị kinh tế cao, được HTX liên kết với nông dân sản xuất trong vụ Hè Thu 2023 với diện tích 350ha. Nông dân khi tham gia liên kết sản xuất giống lúa ST25 sẽ được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, việc nông dân chọn các giống lúa chất lượng cao để sản xuất đã góp phần tăng chất lượng lúa, thu hút được doanh nghiệp (DN) kết nối bao tiêu, qua đó làm tăng diện tích cánh đồng lớn của tỉnh. “Trong vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh có 17 DN liên kết tiêu thụ tại 176 cánh đồng với diện tích trên 11.360ha. Trong đó, nhiều DN liên kết ở vụ Đông Xuân 2022-2023 tiếp tục thực hiện trong vụ Hè Thu 2023” - ông Cường cho biết.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có đến 82% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh sử dụng giống nguyên chủng và xác nhận; gần 45% diện tích áp dụng giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 120kg/ha. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo hàng hóa và nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.

Vụ Hè Thu 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm như Jasmine 85, ST24, ST25, Nàng hoa 9, VD 20, Đài thơm 8...; đồng thời, cần quan tâm sản xuất các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu như OM5451, OM18, OM7347, OM4900,... Ngoài ra, cần hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình như IR50404, OM576,…

Nâng cao giá trị lúa gạo

Thông tin từ Sở Công Thương, năm 2022, tỉnh xuất khẩu được 593.378 tấn gạo, kim ngạch 307,71 triệu USD, giảm 14,21% về sản lượng và giảm 9,14% về giá trị. Nguyên nhân là các DN đa dạng hóa thị trường và đang chuyển hướng dần từ gạo thông dụng như IR50404, OM5451 sang gạo phẩm cấp cao như ST24, ST25, Nàng hoa 9, Đài thơm 8,...

Quí I/2023, tổng sản lượng gạo xuất khẩu là 223.984 tấn, kim ngạch 120,01 triệu USD, tăng 60,94% về sản lượng và 69,57% về kim ngạch; giá bán bình quân khoảng 535,8 USD/tấn, tăng 27,28 USD/tấn so cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu quí I/2023 gần bằng sản lượng 6 tháng đầu năm 2022. Điều này cho thấy gạo của tỉnh từng bước xây dựng được thương hiệu và không ngừng mở rộng về thị trường.

Chất lượng lúa gạo ngày càng được cải thiện, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ là những yếu tố quan trọng để giảm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất lúa gạo; đồng thời, là yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng hạt gạo.

“Ngày nay, nông dân không thể cứ sản xuất lúa theo tập quán mà phải sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn để không ngừng nâng cao hiệu quả. Ðặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì việc chọn giống lúa có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và sản xuất đúng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh với lúa gạo của các nước trong khu vực là việc làm cần thiết để giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ lúa gạo” - ông Truyền nhấn mạnh./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết