Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng
Tạo ấn tượng mạnh
Lễ hội Lúa gạo và Triển lãm nông nghiệp ƯDCNC (lễ hội) thật sự gây ấn tượng mạnh với khách tham quan bởi hàng loạt sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đây là lần đầu tiên, lễ hội dành riêng nhiều khu vực cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC, nhất là sản phẩm lúa gạo, sản phẩm chế biến từ lúa gạo.
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm và mong muốn sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, truy xuất rõ nguồn gốc. Tập đoàn Lộc Trời tiên phong trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Nhân viên kinh doanh Tập đoàn Lộc Trời - Nguyễn Văn Út cho biết: “Tại lễ hội, Lộc Trời trưng bày, quảng bá 13 sản phẩm gạo trắng và 3 sản phẩm gạo thực dưỡng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thông qua ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, hỗ trợ tiêu hóa, chống lão hóa. Trong những ngày lễ hội, ngoài tham quan, khách hàng còn được dùng thử cơm tại quầy và mua gạo về dùng rất nhiều. Tuy là thương hiệu mạnh trên thị trường lúa gạo, qua lễ hội này, Lộc Trời vẫn muốn người tiêu dùng biết đến mình nhiều hơn, tạo hệ thống phân phối bán lẻ nhiều hơn”.
Chị Châu Pha, ngụ phường 3, TP.Tân An, có mặt tại lễ hội ngay khi vừa khai mạc. Dạo quanh các cửa hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo, cây ăn trái, sản phẩm hỗ trợ việc chăm sóc, chế biến lúa gạo, chị nhận xét: “Lễ hội gây ấn tượng với sự sắp đặt và trưng bày nhiều nông sản, trong đó có cây lúa. Đây là loại cây trồng mang đến sự ấm no, trù phú cho người dân Việt từ bao đời nay. Tôi đến đây và biết nhiều hơn về các sản phẩm nông nghiệp được các tập đoàn, doanh nghiệp, chủ trang trại sản xuất bằng những kỹ thuật canh tác hiện đại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới thân thiện môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Lễ hội còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN): Lamico, Buhler,... giới thiệu những thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ ngành xay xát, chế biến lúa gạo hiện đại, an toàn thực phẩm hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững giữa các nền kinh tế.
Người dân đến tham quan các gian hàng triển lãm
Cơ hội tìm kiếm thị trường
Tại quầy trưng bày của Công ty TNHH Vĩnh Thịnh Phát, nhân viên luôn bận rộn mời khách dùng thử cơm. Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Vĩnh Thịnh Phát - Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Đây là cơ hội để công ty xin ý kiến khách hàng, quảng bá sản phẩm. Hiện tại, dây chuyền sản xuất tại công ty có thể sản xuất 8-10 tấn/giờ nhưng chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Công ty đang có định hướng đẩy mạnh thị trường nội địa thông qua bếp ăn tập thể trường học, công nhân. Mấy ngày nay, khách hàng tìm hiểu nhiều về năng lực sản xuất để hợp tác lâu dài”.
Tại gian nhà chung trưng bày các sản phẩm của tỉnh Long An, nhiều khách tham quan rất thích thú, tìm hiểu, dùng thử sản phẩm rau trồng thủy canh thương hiệu Nutifarm. Chị Lương Thị Ngọc Yến - nhân viên Nutifarm, chia sẻ: “Rau trồng thủy canh là kỹ thuật không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng. Cây trồng luôn được trong môi trường sạch khuẩn, không thuốc bảo vệ thực vật nên hoàn toàn sạch, an toàn, giàu chất dinh dưỡng. Tại lễ hội, Nutifarm mong muốn giới thiệu đến khách hàng nhận biết và hướng đến tiêu dùng thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe; đồng thời, tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm lâu dài”.
Với chủ đề chính là lúa gạo, lần này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa mang đến lễ hội và trưng bày 3 loại nếp chủ lực: 46 chùm, cái hoa vàng, Thái thơm. Bà Võ Thu Mộng - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chia sẻ: “Thạnh Hóa có vùng chuyên canh nếp khoảng 20.000ha, trong đó, nếp 46 chùm chiếm 90% diện tích nhưng đang bị thoái hóa giống. Những năm qua, ngành nông nghiệp cùng nông dân thử nghiệm thành công loại nếp cái hoa vàng, nếp Thái thơm và có tín hiệu tốt về chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập tốt do tính chống chịu sâu, bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân đang gặp khó về đầu ra do thị trường xuất khẩu nếp khó khăn. Mong muốn lớn nhất ở lễ hội là tìm được khách hàng bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.
Tại lễ hội còn có sự góp mặt nhiều loại nông sản khác: Dưa lê, dưa lưới, xoài cát Hòa Lộc, cam,... của các tỉnh bạn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả sản phẩm đều được các đơn vị tham gia ký cam kết sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho rằng, mục đích lễ hội hướng đến là giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cơ hội cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu. Đây là hoạt động kích cầu thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh nhằm mở rộng thị trường lúa gạo và các nông sản chất lượng cao có thương hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong mối liên kết với vùng kinh tế trọng điểm của cả nước./.
Lễ hội Lúa gạo và Triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diễn ra từ ngày 15 đến 20/6/2018 với trên 400 gian hàng, 150 doanh nghiệp từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và các nước: Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. |
Mai Hương