Tiếng Việt | English

02/12/2022 - 16:49

Nâng cao hiệu quả quản lý từ công tác kiểm kê đất đai

Việc kiểm kê đất đai (KKĐĐ) là cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng cũng như đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn.

Kiểm kê đất đai xác định thực trạng, cơ cấu, mục đích sử dụng đất, từ đó, giúp địa phương dễ dàng triển khai, thực hiện các dự án phục vụ phát triển KT-XH

Thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước

Đối với công tác KKĐĐ, Long An thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng tốt hơn tài nguyên đất đai trên địa bàn, góp phần phục vụ phát triển KT-XH. Công tác KKĐĐ trên địa bàn thị xã Kiến Tường được tập trung, chỉ đạo quyết liệt. Thị xã cơ bản thống kê đầy đủ, hoàn chỉnh các loại đất, diện tích, đối tượng sử dụng, tình hình sử dụng đất,...

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm cho biết: Theo kết quả kiểm kê, thống kê, tổng diện tích tự nhiên của thị xã hơn 20.000ha, trong đó, đất nông nghiệp hơn 17.000ha, đất phi nông nghiệp gần 3.000ha. Công tác KKĐĐ trên địa bàn được thực hiện bảo đảm về mặt số liệu và chất lượng đúng theo quy định. Kiểm kê, thống kê đất đai giúp địa phương đánh giá chính xác thực trạng sử dụng đất của từng đơn vị hành chính, xác định đầy đủ số liệu về diện tích tự nhiên của các cấp hành chính, diện tích các loại đất, các loại đối tượng đang quản lý, sử dụng đất đến thời điểm kiểm kê. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai.

Tại huyện Đức Hòa, việc kiểm kê, thống kê đất đai trên địa bàn được tổ chức thực hiện đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. Công tác này giúp địa phương đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất, là cơ sở để lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm vào các mục tiêu phát triển KT-XH; theo dõi tình hình biến động sử dụng các loại đất trên địa bàn huyện theo từng đối tượng sử dụng, quản lý hàng năm để ngăn chặn và loại trừ các tiêu cực trong sử dụng đất đai hoặc sử dụng không đúng mục đích, hiệu quả thấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Thành Phong, theo số liệu KKĐĐ mới nhất, tổng diện tích tự nhiên của huyện hơn 42.500ha, trong đó, đất nông nghiệp gần 26.000ha, đất phi nông nghiệp hơn 16.500ha. Công tác kiểm kê rất quan trọng, giúp địa phương thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, công tác này còn gặp một số khó khăn nhất định. Huyện kiến nghị cần cập nhật đầy đủ các biến động đất đai lên bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính; đẩy nhanh và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian tới; hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, góp phần hỗ trợ tốt hơn công tác thống kê và KKĐĐ.

Theo kết quả kiểm kê đất đai, tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn tỉnh là 449.479ha. Nhóm đất nông nghiệp 351.758ha, chiếm 78,26% diện tích tự nhiên. Nhóm đất phi nông nghiệp 97.721ha, chiếm 21,74% diện tích đất tự nhiên.

Phục vụ phát triển kinh tế -xã hội địa phương

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phan Văn Cường, công tác KKĐĐ trên địa bàn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. KKĐĐ nhằm điều tra, đánh giá chính xác thực trạng tình hình quản lý, sử dụng và biến động sử dụng đất; xác định các đối tượng được giao quản lý, sử dụng đất và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở các cấp trong tỉnh, làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai trong 5 năm qua. Từ đó, địa phương có thể đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các địa phương trong tỉnh.

Kiểm kê đất đai xác định thực trạng, cơ cấu, mục đích sử dụng đất, từ đó, giúp địa phương dễ dàng triển khai, thực hiện các dự án phục vụ phát triển KT-XH

KKĐĐ cung cấp kịp thời những thông tin chi tiết và chính xác về đất đai để hoạch định các chính sách xây dựng, các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH nói chung và việc quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất nói riêng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng.

Việc KKĐĐ đánh giá được chính xác thực trạng sử dụng đất của từng đơn vị hành chính (cấp xã, huyện, tỉnh), xác định đầy đủ số liệu về diện tích tự nhiên của các cấp hành chính, diện tích các loại đất, các loại đối tượng đang quản lý, sử dụng đất đến thời điểm kiểm kê. KKĐĐ để làm tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên đất phục vụ việc xây dựng và đánh giá tình hình thực hiện chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của tỉnh, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm của Nhà nước tại địa phương.

Việc KKĐĐ được tính theo từng giai đoạn. Hiện nay, tỉnh thực hiện hoàn thành dự án KKĐĐ theo đúng kế hoạch đề ra. UBND các cấp trên địa bàn nắm được chính xác diện tích quỹ đất hiện có, cơ cấu và sự phân bố của từng loại đất theo mục đích sử dụng, tình hình sử dụng đất của các tổ chức đang đóng trên địa bàn, kết quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi quản lý.

Từ kết quả này, UBND cấp tỉnh, huyện và xã nắm chắc và toàn diện hơn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai trong thời gian qua, có đầy đủ tài liệu cơ bản để làm nền tảng cho việc hoạch định các chính sách phát triển KT-XH của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, nhanh chóng đưa Luật Đất đai năm 2013 vào cuộc sống./.

Theo UBND tỉnh, từ công tác KKĐĐ, địa phương kiến nghị và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người nhận thức được nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm trong việc chấp hành Luật Đất đai năm 2013; xem xét hạn chế việc hình thành thêm các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư mới và các dự án nhỏ, lẻ nằm ngoài khu quy hoạch nhằm mục tiêu chính là lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã hình thành, các khu dân cư mới, tránh lãng phí đất, gây thiệt hại kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để giảm các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất khác với hồ sơ địa chính.

Trung ương cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ vốn cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo đảm độ che phủ, duy trì ổn định diện tích đất lâm nghiệp gắn với sử dụng hợp lý, hiệu quả, tạo cảnh quan bảo vệ môi trường sinh thái và tiến đến khai thác lâu dài và bền vững. Trước đây, tỉnh thành lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính tỷ lệ 1:5.000, hiện nay với xu thế phát triển KT-XH, đất đai ngày càng có giá trị, biến động đất đai lớn, do đó, việc quản lý đất đai ở tỷ lệ nêu trên chưa phản ánh đầy đủ các thông tin nên kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính mới gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho Long An, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết