Công tác kiểm kê đất đai trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, bảo đảm đạt yêu cầu đề ra
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phạm Tùng Chinh, việc KKĐĐ trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương quan tâm, thực hiện. KKĐĐ nhằm mục đích điều tra, đánh giá chính xác thực trạng tình hình quản lý, sử dụng và biến động sử dụng đất; xác định các đối tượng được giao quản lý, sử dụng đất và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở các cấp trong tỉnh làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai trong 5 năm qua. Từ đó, ngành chức năng có thể đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các địa phương trong tỉnh, nhất là việc lập, điều chỉnh quản lý việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, KKĐĐ cung cấp kịp thời những thông tin chi tiết và chính xác về đất đai để hoạch định các chính sách xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH nói chung và việc quản lý sử dụng hợp lý, hiệu quả vốn tài nguyên đất nói riêng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng.
Việc KKĐĐ đánh giá được chính xác thực trạng sử dụng đất của từng đơn vị hành chính (cấp xã, huyện, tỉnh), xác định được đầy đủ số liệu về diện tích tự nhiên của các cấp hành chính, diện tích các loại đất, các loại đối tượng đang quản lý sử dụng đất đến thời điểm kiểm kê. KKĐĐ để làm tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên đất phục vụ trong việc xây dựng và đánh giá tình hình thực hiện chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của tỉnh, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm của Nhà nước tại địa phương.
Tại huyện Tân Thạnh, công tác kiểm kê, thống kê đất đai được địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Địa phương cơ bản thống kê đầy đủ, hoàn chỉnh tất cả loại đất, diện tích, đối tượng sử dụng, tình hình sử dụng đất,... Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Thạnh - Tô Thành Dương cho biết: Việc thực hiện kiểm kê, thống kê đất đai giúp địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Theo kết quả kiểm kê, thống kê, tổng diện tích tự nhiên của huyện Tân Thạnh là 42.279,61ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 37.484,73ha, chiếm 88,66% tổng diện tích tự nhiên của huyện; đất phi nông nghiệp là 4.784,89ha, chiếm 11,34% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện. Việc thống kê đất đai trên địa bàn huyện được thực hiện bảo đảm về mặt số liệu và chất lượng đúng theo quy định. Huyện kiến nghị, bộ số liệu kết quả thống kê đất đai trên địa bàn huyện sớm được nghiệm thu để làm cơ sở quản lý, căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh các chính sách về đất đai và phục vụ việc xây dựng niên giám thống kê hàng năm. Đồng thời, phục vụ thông tin đất đai cho các hoạt động phát triển KT-XH của địa phương.
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Hòa - Phan Văn Tâm, việc kiểm kê, thống kê đất đai trên địa bàn được tổ chức thực hiện đạt theo yêu cầu, kế hoạch đề ra. Công tác này giúp địa phương đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất, là cơ sở cho công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm vào các mục tiêu phát triển KT-XH; theo dõi tình hình biến động sử dụng các loại đất trên địa bàn huyện theo từng đối tượng sử dụng, quản lý hàng năm để ngăn chặn và loại trừ các tiêu cực trong sử dụng đất đai hoặc sử dụng không đúng mục đích và có hiệu quả thấp.
Kiểm kê đất đai giúp triển khai dự án, công trình được thuận lợi
Tăng hiệu quả quản lý
Trưởng phòng TN&MT Đức Hòa - Phan Văn Tâm cho biết: Tổng diện tích tự nhiên của huyện Đức Hòa là 42.510,97ha. Trong đó, nhóm đất nông nghiệp hơn 25.988ha, chiếm 61,13%; nhóm đất phi nông nghiệp hơn 16.522ha, chiếm 38,87%. Bên cạnh những thuận lợi, công tác kiểm kê, thống kê đất đai trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Việc thay đổi phương thức thực hiện thống kê đất đai năm 2020 so với trước đây đòi hỏi nguồn dữ liệu đầu vào có chất lượng; nguồn nhân lực thực hiện thống kê phải có năng lực và chuyên môn cao hơn. Tuy nhiên chất lượng nguồn tài liệu đầu vào còn nhiều hạn chế. Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động chưa được thực hiện tốt. Để khắc phục những vướng mắc, khó khăn, huyện cũng kiến nghị cần cập nhật đầy đủ các biến động đất đai lên bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính. Đẩy nhanh và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian tới. Hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính góp phần hỗ trợ tốt hơn công tác thống kê và KKĐĐ.
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phạm Tùng Chinh thông tin: Kết quả KKĐĐ trên địa bàn tỉnh thực hiện đã hoàn thành và thu được kết quả tốt, đạt yêu cầu về các nội dung cơ bản của Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch, chương trình và các nội dung công tác của Ban Chỉ đạo các cấp tỉnh và huyện đề ra đạt yêu cầu về mặt thời gian, khối lượng công việc và chất lượng chuyên môn. Qua công tác này, UBND các cấp trên địa bàn nắm được chính xác diện tích quỹ đất hiện có, cơ cấu và sự phân bố của từng loại đất theo mục đích sử dụng, tình hình sử dụng đất của các tổ chức đang đóng trên địa bàn, kết quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi quản lý. Từ kết quả này, UBND cấp tỉnh, huyện và xã nắm chắc và toàn diện hơn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai thời gian qua, có đầy đủ tài liệu cơ bản để làm nền tảng cho việc hoạch định các chính sách phát triển KT-XH của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, nhanh chóng đưa Luật Đất đai năm 2013 đi vào cuộc sống tại địa phương. Tuy nhiên, việc KKĐĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Long An kiến nghị và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền để mọi người cùng nhận thức được nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc chấp hành pháp luật đất đai 2013.
Thứ hai, xem xét hạn chế việc hình thành thêm các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư mới và các dự án nhỏ, lẻ nằm ngoài khu quy hoạch nhằm mục tiêu chính là lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã hình thành, các khu dân cư mới, tránh lãng phí đất, gây thiệt hại cho kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giảm bớt các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất khác với hồ sơ địa chính.
Thứ tư, Trung ương cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ vốn cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo đảm độ che phủ, duy trì ổn định diện tích đất lâm nghiệp gắn với sử dụng hợp lý, hiệu quả, tạo cảnh quan bảo vệ môi trường sinh thái và tiến đến khai thác lâu dài và bền vững.
Thứ năm, trước đây, Long An cũng thành lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính ở tỉnh tỷ lệ 1:5.000, hiện nay với xu thế phát triển KT-XH, đất đai ngày càng có giá trị, biến động đất đai rất lớn, do đó, việc quản lý đất đai ở tỷ lệ nêu trên chưa phản ánh đầy đủ các thông tin, kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư kinh phí thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính mới gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho tỉnh, góp phần thực hiện tốt quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương./.
Châu Sơn