Tiếng Việt | English

29/11/2021 - 10:11

Nâng cao ý thức người dân - “chìa khóa” bảo vệ môi trường

Xác định nâng cao ý thức người dân trong việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là “chìa khóa” bảo vệ môi trường, thời gian qua, các cấp, các ngành không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng như nhân rộng và duy trì nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong việc thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật - hiểm họa khó lường

Trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ cây trồng là cần thiết. Thực trạng mức độ thâm canh cây trồng ngày càng cao nên yêu cầu sử dụng thuốc BVTV cũng ngày càng tăng dẫn đến lượng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng ngày càng nhiều. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu từ 70.000 đến hơn 160.000 tấn thành phẩm hóa chất BVTV. Ước tính lượng bao bì, vỏ đựng thuốc chiếm khoảng 10% khối lượng tổng số thuốc tiêu thụ, số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc BVTV lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, các loại vỏ chai, bao gói thuốc, thuốc BVTV đã qua sử dụng thì trung bình có khoảng 2% lượng thuốc BVTV còn sót lại, do đó nếu vỏ chai, bao bì thuốc BVTV không được xử lý đúng cách sẽ tác động xấu đến đời sống của con người và các loài sinh vật có ích, làm cho môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Đây cũng là một trong những tác nhân gây ra nhiều loại bệnh ung thư.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bao giờ cũng tồn dư một phần thuốc. Nếu vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng, thuốc sẽ khuếch tán vào nước tưới, nước mưa bị rửa trôi xuống nước ngầm và nước mặt gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Nếu xử lý bằng cách chôn lấp bao bì, thuốc cũng sẽ bị rửa trôi, thấm sâu xuống nước mặt, nước ngầm. Tình trạng càng trở nên ô nhiễm nặng hơn nếu chôn lấp ở trên cao hay đầu nguồn nước. Trường hợp đem bao bì đốt không đúng quy trình an toàn nguy cơ phát thải Dioxin là rất lớn”.

Nâng cao ý thức người dân

Xác định được những tác hại của bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng đối với môi trường và sức khỏe con người, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh tích cực phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đối với môi trường và sức khỏe con người; đồng thời, phát động rất nhiều chương trình, phong trào thu gom bao bì thuốc BVTV tại các địa phương. Qua đó, nông dân đã có ý thức thu gom các vỏ chai, bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng tập trung để có nơi có chỗ, không còn tình trạng vứt bỏ vỏ chai, bao gói thuốc BVTV một cách tùy tiện, bừa bãi trên đồng ruộng, ao, hồ, kênh, rạch,... như trước đây.

Người dân ý thức trong việc để bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng nơi quy định

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On thông tin: “Trước đây, theo thói quen, sau khi sử dụng thuốc BVTV, nhiều nông dân vứt bao bì bừa bãi tại ruộng, kênh, mương nội đồng. Để khắc phục tình trạng này, các địa phương tích cực huy động nhiều nguồn lực để đầu tư các hố bêtông, thùng nhựa đặt cố định tại nơi sản xuất để người dân thu gom. Còn Hội Nông dân các xã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của rác thải trên đồng; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp); phân loại rác thải để đúng nơi quy định; triển khai các quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp: Luật Bảo vệ thực vật và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT về Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng,...”.

Gia đình anh Bùi Văn Phương (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) đang trồng hơn 4ha lúa. Trước đây, anh không quan tâm đến việc thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, thường “tiện đâu, vứt đó”. Từ khi tham các các buổi tư vấn, tập huấn về thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, anh đã ý thức hơn và nhắc nhở người dân xung quanh làm theo.

Anh Phương bộc bạch: “Vụ lúa nào gia đình cũng phải sử dụng phân bón, thuốc hóa học để phòng trừ sâu, bệnh. Trước đây, chưa có xây dựng các hố chứa thì sau khi phun thuốc, rải phân xong, chúng tôi vứt vỏ chai thuốc tại ruộng làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bây giờ, có các hố bêtông, sau khi phun thuốc hay rải phân xong, chúng tôi thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vào hố, góp phần bảo vệ môi trường. Riêng năm nay, gia đình được xã phát bao chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng càng tiện lợi hơn”.

Để kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường từ chất thải bao bì thuốc BVTV, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó ý thức sử dụng của nông dân là quan trọng nhất. Vì vậy, ngoài việc hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, hàng năm, tỉnh còn dành kinh phí cho việc thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường sống ở nông thôn và sức khỏe người dân.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết thêm: “Với mục tiêu cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường thông qua việc thu gom và tiêu hủy vỏ chai, bao gói thuốc BVTV, Chi cục phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố phát động thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng năm 2021. Theo chương trình, trong tháng 11-2021, ngành Nông nghiệp, trực tiếp là Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố tổ chức lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường, phát động thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng và cấp phát bao chứa cho nông dân. Sau khi kết thúc đợt phát động, địa phương sẽ thông báo ngày xe vận tải đến thu nhận bao chứa vỏ chai, bao gói thuốc BVTV, nông dân sẽ đem các bao chứa đã thu gom được đến điểm tập kết theo quy định của UBND xã, phường, thị trấn để vận chuyển về nhà máy xử lý tiêu hủy theo quy định. Nhằm chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó bảo vệ môi trường nông nghiệp thông qua việc thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, ngành Nông nghiệp kêu gọi nông dân nhiệt tình ủng hộ chương trình; tích cực thu gom nhiều vỏ chai, bao gói thuốc BVTV bỏ vào bao chứa đã được cấp phát”.

Long An đang phát triển mạnh về công nghiệp nhưng nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng. Do đó, thực hiện các mô hình nâng cao ý thức người dân trong việc thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng là việc làm thiết thực, góp phần chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường./.

Thông tư liên tịch số 05/ 2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, ngày 16-5-2016 về việc Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Tại chương III, Điều 5 quy định trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV và doanh nghiệp có phát sinh bao gói thuốc BVTV sau sử dụng:

1. Người sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm

- Sau khi pha chế, phun rải thuốc BVTV phải thu gom bao gói sau sử dụng để vào nơi chứa đúng quy định.

- Phải để riêng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng.

- Không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

2. Doanh nghiệp có phát sinh bao gói thuốc BVTV sau sử dụng có trách nhiệm

- Tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý của doanh nghiệp.

- Ký hợp đồng chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với cơ quan thẩm quyền xử lý.

- Trả chi phí cho việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích