Trả lời phỏng vấn tại Ba Lan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: “NATO đang đối mặt với một môi trường an ninh mới gây ra không chỉ bởi tình trạng bạo lực, hỗn loạn, bất ổn ở phía nam như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Iraq, Syria, Bắc Phi, mà còn bởi thái độ “hung hăng” của Nga. Moscow đã dùng vũ lực để sáp nhập Crimea và gây bất ổn Ukraine”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc tập trận của NATO ở Ba Lan
Bởi thế, “NATO buộc phải phản ứng. Chúng tôi đang làm việc đó bằng một chiến dịch củng cố sức mạnh phòng thủ tập thể ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh với lực lượng mũi nhọn là một nhân tố chính. Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy lực lượng này hoạt động và tập trận ở Ba Lan”.
Tuyên bố của ông Stoltenberg đưa ra đúng thời điểm khối quân sự này đang rầm rộ triển khai binh lính và vũ khí, tập trận ở khu vực Baltic từ 5-20/6.
49 tàu chiến và 5.600 quân từ 17 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đồng minh tham gia vào cuộc tập trận.
14 quốc gia thành viên NATO là Bỉ, Canada, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ gửi lực lượng hải quân tham gia tập trận. Ngoài ra, ba đối tác của NATO là Phần Lan, Thụy Điển và Gruzia cũng có mặt tại hoạt động thường niên của NATO này.
Theo Wall Street Journal, cuộc tập trận này là một sự phô diễn sức mạnh của NATO khi khối này được cho là tung toàn lực nhằm mục tiêu đối phó trong trường hợp một thành viên của khối bị tấn công.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg và tướng Philip Breedlove, lãnh đạo bộ chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ cho biết: “Lần đầu tiên, lực lượng phản ứng siêu nhanh NATO triển khai bài tập trận Noble Jump. Trong khi đó cuộc tập trận Allied Shield sẽ cho thấy NATO có thể triển khai lực lượng chiến đấu đến bất kì đâu thuộc lãnh thổ của các nước đồng minh trong một vài ngày, nếu bất ngờ xảy ra khủng hoảng hay có mối đe doạ từ bên ngoài”.
2 lãnh đạo của NATO đã cùng khẳng định rằng khối đồng minh luôn sẵn sàng và có thể đương đầu với bất kì thử thách nào.
Vào tháng 9 năm ngoái, NATO đã nhất trí thành lập lực lượng phản ứng nhanh, đơn vị mà sau đó đã được gấp đôi quy mô lên tổng 30.000 lính bao gồm cả từ binh lính mặt đất, thuỷ thủ, lính thuỷ đánh bộ và phi hành đoàn với nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ mọi quyền lợi an ninh của khối đồng minh khi cần thiết. Đi đầu của lực lượng này sẽ là một đơn vị nhỏ hơn, có tên “lực lượng phản ứng siêu nhanh” hay “lực lượng mũi nhọn”, với khoảng 5.000 quân.
Ông Stoltenberg và Breedlove cũng cho biết, NATO sẽ tiếp tới thành lập mạng lưới các trung tâm chỉ huy nhỏ ở Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Bulgaria, nhằm trao đổi thông tin tốt hơn và làm cơ sở triển khai lực lượng phản ứng nhanh. Đây sẽ là nơi lên kế hoạch, hỗ trợ và chỉ huy các chiến dịch triển khai quân, cũng như tập trận.
Vì sao NATO bất ngờ tung toàn lực và làm căng với Nga?
Ngày 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân trong năm nay. Đây là một tuyên bố được cho là lời cảnh báo đáp trả trước những động thái quân sự mới đây của Mỹ, có thể làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đối phó với bất cứ âm mưu xâm lược nào (ảnh: AP)
Phát biểu tại buổi khai mạc một triến lãm vũ khí quân sự tại thủ đô Moscow, Tổng thống Nga tuyên bố: “Hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có thể vượt qua ngay cả những hệ thống chống tên lửa tiên tiến nhất hiện nay sẽ được bổ sung vào kho dữ trữ vũ khí hạt nhân trong năm nay”.
Hệ thống tên lửa đạn đạo này có tầm bắn tối thiểu hơn 5.500km. Đã nhiều lần, Tổng thống Putin nói rằng, nước Nga cần phải duy trì sự răn đe hạt nhân của mình nhằm chống lại những gì được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia và Moscow hoàn toàn có quyền triển khai vũ khí hạt nhân ở bán đảo Crimea vừa được sáp nhập.
Tuyên bố vừa nêu của Chính phủ Nga đưa ra chỉ một ngày sau khi giới chức nước này lên án mạnh mẽ kế hoạch triển khai xe tăng và vũ khí hạng nặng của Mỹ tại các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu và vùng Baltic gần biên giới với Nga. Moscow gọi đó là hành động có tính khiêu khích nhất của Washington kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Phản ứng trước thông báo của Tổng thống Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc hành động của Nga là “mối đe dọa hạt nhân”, đồng thời cảnh báo điều đó sẽ “làm mất ổn định và vô cùng nguy hiểm” đối với an ninh khu vực.
Với 4.500 đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ quân sự, bao gồm 1.800 đầu đạn hạt nhân chiến lược triển khai sẵn trên tên lửa và máy bay ném bom căn cứ, 700 đầu đạn hạt nhân dự trữ khác và 2.700 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược, kho vũ khí hạt nhân của Nga hiện được đánh giá là có sức mạnh nhất thế giới.
Nga tuyên bố không chạy đua vũ trang với NATO?
Sau hàng loạt đấu khẩu giữa Nga – NATO về kho vũ khí hạt nhân cũng như cuộc tập trận, người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peskov ngày 17/6 khẳng định, nước này không khơi mào bất cứ cuộc chạy đua vũ trang nào bất chấp những gì mà Moscow gọi là “những nỗ lực của NATO nhằm thay đổi cán cân quyền lực chiến lược toàn cầu”.
Cuộc tập trận của NATO ở Ba Lan (ảnh: EPA)
Ông Peskov nêu rõ, không phải là Nga là nước tiếp cận biên giới quốc gia khác mà chính NATO đang triển khai các cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới với Nga.
Nga cáo buộc NATO đang xâm phạm biện giới nước này và tìm cách thay đổi cán cân quyền lực chiến lược, buộc Nga phải đưa ra các bước đi bảo vệ an ninh và lợi ích của mình. Đây là khẳng định của người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov, sau khi Nga và phương Tây đều cáo buộc lẫn nhau đang tác động tiêu cực đến an ninh toàn cầu, làm gia tăng căng thẳng cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo ông Peskov, không phải Nga đang tiến gần đến biên giới của một nước nào đó, mà chính cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang tiếp cận biên giới của Nga, đe dọa lợi ích, an ninh của nước này. Tất cả những điều này buộc Nga không thể “làm ngơ”.
Ông Peskov cũng cho rằng, phương Tây đang gia tăng kế sách “không xây dựng và đối đầu” theo kiểu chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, cố vấn ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga sẽ phản ứng theo những cách khác nhau đối với từng mối đe dọa nhất định. Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc đua vũ trang./.
Ngân Giang/VOV.VN