Tiếng Việt | English

23/04/2016 - 07:27

Nga dồn sức bao vây Aleppo, Mỹ chấp nhận khoanh tay đứng nhìn?

Một vài quan chức Mỹ đã lên tiếng tố cáo Nga đang tìm cách dồn sức bao vây phe đối lập ôn hòa ở thành phố Aleppo, Syria.

Reuters dẫn lời các quan chức này nhấn mạnh, dù đã tuyên bố rút một số lượng lớn máy bay chiến đấu khỏi Syria vào tháng 3, Nga lại tìm cách tăng cường lực lượng quân đội tại Syria bằng việc điều thêm các loại trực thăng hiện đại và liên tục không kích phe đối lập ôn hòa.

Trực thăng Mi-24 của Nga tấn công các vị trí của phe đối lập. Ảnh Sputnik

Ngoài ra, các quan chức Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Nga đang tìm cách đưa thêm nhiều khẩu pháo đến Syria. Chính phủ Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về thông tin nói trên.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận về động thái của Nga. Người phát ngôn lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Baghdad, Iraq, Đại tá Lục quân Steve Warren nhấn mạnh: “Tôi không biết ý định thực sự của Nga là gì. Tôi chỉ biết rằng, chúng tôi đã chứng kiến quân Chính phủ Syria dưới sự yểm trợ của Nga đang tập trung vũ khí bao vây Aleppo”.

Mỹ muốn tránh đối đầu với Nga

Quan chức Mỹ sau đó cảnh báo, nếu không thể đáp lại hành động “hiếu chiến” của Nga sẽ khiến Mỹ bị coi là thiếu dũng cảm và khuyến khích Nga leo thang những hành động khiêu khích Mỹ và đồng minh.

Thậm chí, họ còn bày tỏ lo ngại rằng, việc không thể kiềm chế Nga sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia cũng như nhiều quốc gia Vùng Vịnh khác- vốn tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al- Assad hay với Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang nã pháo tấn công các mục tiêu IS ở Syria- bị tổn hại nghiêm trọng.


Binh sĩ Syria lái xe tăng áp sát phe đối lập. Ảnh Sputnik

Theo các quan chức này, Mỹ cần ngăn chặn Nga bằng cách cung cấp cho phe đối lập ôn hòa thêm nhiều loại tên lửa chống tăng và súng phóng lựu thông qua một nước thứ 3.

Tuy nhiên, các quan chức này cho biết, nhiều quan chức khác của Mỹ, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice đã phủ quyết khả năng Mỹ tăng cường can dự vào Syria. “Bà Rice chỉ làm cho tình hình trở nên xấu đi”, một quan chức nhận định.

Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không muốn Mỹ dấn sâu vào cuộc chiến ở Syria. Hồi tháng 10/2015, ông Obama tuyên bố, Mỹ sẽ không bị lôi kéo vào một “cuộc chiến ủy nhiệm” với Nga. Thay vì thế, Mỹ chủ yếu tập trong vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS, vốn đang kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Đông Bắc Syria.

Nhân tố bí ẩn Putin

Mỹ và các quốc gia phương Tây đã rất nỗ lực trong việc tìm hiểu về ý định thực sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Nga bất ngờ điều quân đến Syria hồi tháng 9/2015.

Chưa hết bất ngờ, việc Nga bất ngờ rút một phần lực lượng Không quân vào tháng 3 cũng khiến giới chức Mỹ và phương Tây lại tiếp tục “vò đầu bứt tai”.

Hiện giới chức Mỹ vẫn đang tranh cãi gay gắt về việc Mỹ cần phản ứng thế nào trước các bước đi của Nga cũng như liệu Tổng thống Nga Putin có “chân thành” trong việc hỗ trợ Liên Hợp Quốc thúc đẩy tiến trình hòa bình đang rất mong manh ở Syria hay không.


Binh sĩ Syria tấn công các mục tiêu thuộc phe đối lập ôn hòa. Ảnh Sputnik

Các chuyên gia Mỹ đang đặt ra câu hỏi, Tổng thống Nga Putin không thể hay không muốn gây áp lực để ép ông Assad phải tiếp tục nhượng bộ trên bàn đàm phán.

“Hoặc Nga đang tìm cách che mắt Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry hoặc họ đang tìm cách che mắt chính mình”, một chuyên gia Mỹ nhận định.

Một số quan chức quân đội và tình báo Mỹ cho rằng, ông Putin hoàn toàn chân thành trong việc ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva do Liên Hợp Quốc làm trung gian.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Syria Assad sẽ lợi dụng sự ủng hộ của Tổng thống Nga Putin để tìm cách cản trở các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva, phớt lờ lệnh ngừng bắn bằng cách liên tục tấn công vào phe đối lập ôn hòa. Hệ quả là, Tổng thống Nga không còn cách nào khác là phải tăng cường ủng hộ ông Assad.

Ông Charles Lister, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Đông, nhận định: “Tôi cho rằng, chính quyền Assad đang “chơi một ván bài” rất thông minh. Họ đang đóng vai “kẻ phá hoại” vì hiểu rõ rằng sự kiên nhẫn của phe đối lập đang cạn dần”.

Obama và Kerry quá ngây thơ?

Trong khi đó, một số quan chức và chuyên gia Mỹ khác lại cáo buộc, Tổng thống Nga Putin “chưa bao giờ chân thành” khi phải “thực hiện các sứ mệnh ngoại giao” và khẳng định Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đã “quá ngây thơ” khi tin vào cam kết ủng hộ các cuộc đối thoại vì hòa bình ở Syria của ông Putin.

Họ cho rằng, ông Putin vẫn cần giữ ông Assad tại nhiệm để đảm bảo rằng, Nga vẫn có thể duy trì một căn cứ Hải quân và Không quân ở Syria, những căn cứ quân sự quan trọng hiếm hoi mà Nga sở hữu bên ngoài đất nước.

“Đó là một “ván bài” rất khó chịu mà ông Putin bày ra”, ông Jeffrey White, cựu chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ và hiện đang làm tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận định: ‘Tôi không bao giờ tin ông ta phải dè chừng ông Assad. Tôi cho rằng, họ đứng về phía nhau ngay từ đầu”./.

Trần Khánh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết