Tiếng Việt | English

24/06/2022 - 09:34

Ngăn ngừa bạo lực gia đình

Theo số liệu thống kê những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn Long An có chiều hướng giảm, không còn nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân gia đình, mâu thuẫn rất dễ xảy ra, thậm chí dẫn đến tình trạng BLGĐ.

Ngăn ngừa BLGĐ bên cạnh trách nhiệm, ý thức từ chính các gia đình rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng nhằm hướng đến mục tiêu: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước”.

Muôn kiểu bạo lực gia đình

Năm 2011, chị Trần Thị Nhựt T. và anh Phạm Tấn Đ., ngụ huyện Bến Lức, nên duyên vợ chồng. Cuộc sống gia đình hạnh phúc khi anh chị lần lượt có với nhau 2 người con trai kháu khỉnh. Gần 10 năm hôn nhân hạnh phúc tưởng chừng viên mãn nhưng từ cuối năm 2020, vợ chồng chị T. bắt đầu phát sinh mâu thuẫn.

Ban đầu là những mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết triệt để đã dẫn đến bất đồng trong lối suy nghĩ của cả 2 vợ chồng. Những trận cãi vã liên tiếp xảy ra. Thậm chí, có nhiều lần, anh Đ. còn chửi mắng, xúc phạm đến cả cha mẹ chị T. Không chịu được lối bạo lực tinh thần từ chồng, chị T. và anh Đ. quyết định đi đến ly thân để cả 2 có khoảng thời gian nhìn nhận lại cuộc sống hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, gần 2 năm ly thân cũng không giúp chị T. và anh Đ. hàn gắn hạnh phúc. Cuối tháng 4/2022, vợ chồng chị T. quyết định ly hôn để giải thoát cho cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc.

Huyện Cần Giuộc xây dựng mô hình Câu lạc bộ gia đình trẻ hạnh phúc

Cũng từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc B. (26 tuổi) và anh Nguyễn Xuân T. (32 tuổi), cùng ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, đã quyết định ly hôn sau 8 năm gắn bó. Sở dĩ chị B. quyết định ly hôn bởi hơn 3 năm qua, anh T. thường xuyên bạo hành chị cả về tinh thần lẫn thể xác. Không ít lần, sau những trận cãi vã, anh T. còn cầm dao đe dọa giết chị B., khiến chị bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, không còn vương vấn cuộc hôn nhân này dù cả 2 quen biết nhau từ thời “thanh mai trúc mã”.

Trong khi đó, anh T. lại biện minh lý do dẫn đến BLGĐ chỉ vì anh quá yêu vợ nên ghen tuông mất kiểm soát, việc anh T. cầm dao đe dọa chị T. chỉ vì để chị sợ mà ở bên anh. Anh T. cũng cho rằng, đó chỉ là những mâu thuẫn nhỏ có thể giải quyết. Tuy nhiên, trong thời gian trước khi ly hôn, chị B. từng dọn về nhà mẹ ruột ở, anh T. cũng một vài lần cầm dao đến tận nơi đe dọa nhưng được nhiều người can ngăn kịp thời. Dù rằng anh T. còn muốn cả 2 vợ chồng cho nhau cơ hội vun đắp lại cuộc sống gia đình nhưng trước những lần sống trong BLGĐ, chị B. vẫn cương quyết ly hôn dù biết rằng 2 đứa con sau này sẽ phải chia cắt, thiếu đi sự quan tâm, giáo dục đầy đủ.

Tương tự là trường hợp chị Phan Thị Ngọc Y., ngụ huyện Cần Đước. Sau 2 năm lập gia đình, chị Y. quyết định đệ đơn ly hôn mà nguyên do từ chính những hành động BLGĐ từ chồng. Chị Y. cho biết, năm 2020, chị và anh H. nên duyên vợ chồng sau thời gian dài tìm hiểu. Tuy nhiên, bước vào đời sống gia đình, hôn nhân màu hồng chỉ kéo dài vài tháng khi anh H. bộc lộ thói vũ phu. Chẳng những anh H. không chăm lo vun vén gia đình mà còn thường xuyên chửi bới, xúc phạm và đánh đập chị. Thậm chí, anh H. còn công khai cặp bồ bên ngoài khiến chị không còn chịu được cảnh bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần để đi đến quyết định ly hôn.

Những trường hợp trên còn rất may mắn khi kịp thời đứng lên, dứt bỏ cuộc hôn nhân ngột ngạt. Có lẽ đau lòng nhất là vụ việc mới xảy ra trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Sau những trận cãi vã, đòn roi, chị Nguyễn Thị Hồng N. (35 tuổi) quyết định ly hôn chồng. Tuy nhiên, ngày cầm quyết định ly hôn để được giải thoát cũng là ngày chị rời xa cõi đời bởi những nhát dao điên cuồng của Nguyễn Tấn Phúc - chồng cũ của chị.

Hay vụ việc xảy ra năm 2015 trên địa bàn thị xã Kiến Tường cũng khiến người dân không khỏi xót xa. Sau nhiều năm sống trong cảnh BLGĐ, chị Huỳnh Thị N. quyết định ly hôn. Nhưng vụ việc mới được tòa thụ lý thì bi kịch xảy ra khi chồng chị phát hiện, nổi cơn ghen tuông kết liễu cuộc đời chị bằng 13 nhát dao. Rõ ràng, BLGĐ không chỉ khiến gia đình ly tán, tổn thương cho chính những người trong cuộc mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án nghiêm trọng.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng lựa chọn ly hôn tăng rất nhanh. Trung bình 1 năm, Tòa án nhân dân 2 cấp thụ lý khoảng 5.000 đến hơn 6.500 vụ ly hôn. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khoảng thời gian dài giãn cách xã hội, ngành Tòa án thụ lý, giải quyết gần 3.900 vụ ly hôn. Còn từ đầu năm 2022 đến nay, số vụ ly hôn đã thụ lý cũng tròm trèm con số 4.000 vụ. Trong số các vụ ly hôn, đa số là mâu thuẫn trong đời sống gia đình, không ít vụ việc nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn là tình trạng BLGĐ.

Tập trung các giải pháp ngăn ngừa bạo lực gia đình

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mặc dù thời gian qua tình hình BLGĐ trên cả nước có chiều hướng gia tăng nhưng trên địa bàn tỉnh, các vụ BLGĐ không tăng và có chiều hướng giảm. Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 102 vụ BLGĐ, trong đó, các ngành chức năng địa phương góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 47 vụ, xử phạt hành chính 48 vụ và xử lý hình sự 7 vụ; có 7 vụ ghi nhận nạn nhân dưới 16 tuổi.

Năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 77 vụ BLGĐ, trong đó, góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 19 vụ, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường 1 vụ, xử phạt hành chính 56 vụ và xử lý hình sự 1 vụ, không có nạn nhân là trẻ em. Riêng năm 2021, toàn tỉnh chỉ xảy ra 34 vụ BLGĐ, trong đó, xử phạt hành chính 22 vụ, không có vụ việc phải xử lý hình sự.

Mặc dù số vụ việc BLGĐ hiện nay được phát hiện có chiều hướng giảm nhưng theo một số ngành chức năng, các vụ việc được ghi nhận hiện nay đa số là những vụ việc nổi cộm, kéo dài, từng xảy ra nhiều lần. Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm, hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn âm ỉ diễn ra trong đời sống hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, đa số các vụ việc đều được hòa giải ngay từ đầu nên không xảy ra hậu quả. Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ bởi tư tưởng trọng nam, bất bình đẳng giới, một số phụ nữ dù chịu cảnh bạo lực nhưng chưa sẵn sàng lên tiếng do sợ mất uy tín gia đình, “xấu chàng hổ thiếp” và thường cam chịu. Hiện nay, BLGĐ không chỉ có về thể xác mà còn diễn ra tình trạng bạo lực về tinh thần.

Các chi hội phụ nữ tại cơ sở thường xuyên lồng ghép tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên, phụ nữ trong các buổi sinh hoạt pháp luật

“Với vai trò hỗ trợ phụ nữ, hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tăng cường công tác truyền thông, nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ hiện đại. Trong đó, Hội phối hợp các ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền cho phụ nữ về kiến thức, kỹ năng phòng, chống BLGĐ, kiến thức chăm sóc, giữ gìn hạnh phúc gia đình và phát triển kinh tế. Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh xây dựng được trên 360 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc với gần 11.000 thành viên, gần 650 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; trên 300 câu lạc bộ Không sinh con thứ 3 trở lên và các mô hình phòng, chống BLGĐ. Từ đó, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ” - bà Đỗ Thị Kim Thắm cho biết.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa BLGĐ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy cho rằng, hiện nay, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như triển khai Chương trình về phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025. Trong đó, các sở, ban, ngành, các huyện tập trung triển khai, thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ, phụ trách từng nội dung, tuyên truyền thường xuyên về phòng, chống BLGĐ cho cơ quan, đơn vị, địa phương, xử lý kịp thời các vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn quản lý, góp phần giảm các vụ BLGĐ đến mức thấp nhất.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về BLGĐ, phát huy tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình nhằm ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ.

Song song đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, trong đó đưa tiêu chí không có BLGĐ, không lạm dụng rượu, bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy để công nhận gia đình văn hóa và đưa nội dung phòng, chống BLGĐ vào quy ước ấp, khu phố văn hóa, xem xét làm tiêu chí xét xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết