Du khách quét mã QR Code trước khi vào tham quan các điểm di tích tại Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án tái khởi động hoạt động du lịch trong thời gian tới, sáng 14/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Du lịch khẩn trương khôi phục hoạt động an toàn, chắc chắn.
6 nhóm nhiệm vụ kích cầu, phục hồi du lịch
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, do tác động của dịch COVID-19, thiệt hại của ngành Du lịch trong năm 2020 và 2021 rất lớn. Lượng khách quốc tế năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó nhiều doanh nghiệp đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm 46% cơ cấu doanh thu của ngành) đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực phối hợp với Kiên Giang để hoàn thiện kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, hướng tới phục hồi hoạt động du lịch quốc tế; dự kiến triển khai vào cuối tháng 11/2021,
Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, gồm đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Hiện nay, bên cạnh Phú Quốc (Kiên Giang), một số địa phương khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh đã có kế hoạch khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế.
Ngành Du lịch đề xuất mở lại thị trường du lịch quốc tế theo lộ trình tháng 11/2021thí điểm đón khách đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; tháng 12/2021 mở rộng phạm vi đón khách du lịch di chuyển thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ mở rộng ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Dự kiến, quý 2 năm 2022 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch an toàn.
Đối với hoạt động du lịch nội địa, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn chỉnh hướng dẫn việc mở lại hoạt động du lịch nội địa tại các địa phương theo 4 cấp độ.
Tuy nhiên, việc tái khởi động lại du lịch nội địa còn gặp khó khăn do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 có sự chênh lệch giữa các địa phương.
Do đó, để khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần hoàn thành việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành du lịch tại các điểm đến.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đảm bảo các điều kiện về hạ tầng y tế, nhân lực phục vụ khách du lịch; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách an toàn; có quy định thống nhất toàn quốc về chứng nhận tiêm chủng và tiêu chí về an toàn du lịch…
Để kịp thời chuẩn bị các điều kiện tái khởi động hoạt động du lịch an toàn, thuận lợi và hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ xem xét cho triển khai đón khách du lịch quốc tế (mô hình tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Nha Trang (Khánh Hòa) trong tháng 11/2021; có chính sách ưu đãi, kích cầu cho khách du lịch quốc tế như miễn thị thực hoặc miễn lệ phí thị thực nhập cảnh Việt Nam như trước đây.
Trong điều kiện chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành có liên quan bàn bạc, thống nhất việc đón người Việt Nam ở nước ngoài về.
Mở lại các hoạt động từng bước chắc chắn, an toàn
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các phương án từng bước mở lại hoạt động du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2021 Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, cùng với đó, ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh đã nâng cao thêm một mức… tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch từng bước hoạt động trở lại.
Ngành du lịch tỉnh Ninh Bình xây dựng và triển khai chương trình “Khám phá điểm đến Ninh Bình cùng hướng dẫn viên online”. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh đối với ngành Du lịch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải khẩn trương ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
"Phải rất cụ thể, chi tiết từ phương thức vận tải, xét nghiệm; điều kiện trong các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ đến hợp đồng với cơ sở y tế để giám sát, xử lý ngay khi phát hiện ca dương tính nhanh nhất, gọn nhất… Các hiệp hội du lịch cần có quy định đồng bộ với hướng dẫn của Bộ, khuyến khích các doanh nghiệp thành viên thực hiện để mở lại các hoạt động từng bước, an toàn," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, cập nhật, sớm ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không; cần có quy định chi tiết đối với du khách đi theo tour du lịch lữ hành (bảo đảm an toàn về du khách, điểm xuất phát, điểm dừng, điểm đến…) khác với xe vận tải hành khách thông thường.
"Tất cả các hoạt động từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ nguyên tắc 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách giữa người với người," Phó Thủ tướng lưu ý.
Về hoạt động thí điểm đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các hiệp hội du lịch khẩn trương làm việc với tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa; trao đổi với các bộ, ngành để có kiến nghị cụ thể về thời điểm, quy mô, quy trình thủ tục, đi lại, lưu trú, phương án xử lý khi có ca mắc…; báo cáo với Thủ tướng Chính phủ khi gặp vướng mắc.
"Cùng với các ngành kinh tế khác, ngành Du lịch khẩn trương khôi phục lại hoạt động an toàn, chắc chắn," Phó Thủ tướng yêu cầu./.
Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)