Tiếng Việt | English

08/02/2016 - 18:23

Ngày đầu năm mới đi lễ chùa, hái lộc xuân

Như một nét truyền thống văn hóa của người Việt, cứ mỗi độ xuân về dù ở miền quê hay phố thị, sau khoảnh khắc giao thừa chuyển giao của đất trời, nhiều ìngười bắt đầu chuẩn bị đi lễ chùa, hái lộc, cầu phúc, cầu may cho bản thân, gia đình. Đi chùa đầu năm là việc làm ý nghĩa không thể thiếu và cũng là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt.


Sau giao thừa, người dân Cần Giuộc bắt đầu đi chùa. Tại chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, người dân nguyện cầu về một năm mới tốt lành.

Chị Phạm Thị Bạch Tuyết, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tỉnh Long An: Tôi đi chùa để cầu chúc cho người thân của mình một năm mới được an vui, hạnh phúc. Cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.


Hái lộc, cầu may tại Chùa Long An

Lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Đây cũng là lúc mỗi người tìm về với cội nguồn dân tộc. Bởi vậy, không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người Việt còn có phong tục đi chùa du xuân trong tất cả các ngày Tết Nguyên đán.


Mong một năm mới hạnh phúc.

Chị Lê Thị Mai, phường 6, TP.Tân An: Tôi đi hái lộc năm nay cầu mong con cái có hiếu với mình, các cháu quây quần, ngoan và học giỏi. Chúc năm mới Bính Thân bình an.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, ngụ ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chia sẻ: “Tôi đi chùa để hái lộc đầu năm, cầu mong quốc thái dân an, gia đình luôn được dồi dào sức khỏe, muôn sự bình an, may mắn suốt cả năm”.


Người dân xin lộc cầu mong cuộc sống hạnh phúc, an vui, nhiều người còn xem lễ chùa đầu xuân là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam (ảnh chụp tại chùa Tôn Vân).

Đi lễ chùa, hái lộc vào những ngày Tết trở thành một thói quen ăn sâu trong tiềm thức người Việt, nhất là ở các vùng quê. Tuy rằng, việc này có phần khác đi so với ngày xưa nhưng người dân vẫn giữ phong tục này như một điều nên làm mỗi khi năm hết Tết đến. Tất cả những điều đó làm nên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam./.

Hùng Anh-Đại Lâm

Chia sẻ bài viết