Tiếng Việt | English

21/03/2017 - 14:22

Nghề thiện nguyện cần được tôn vinh

Đạo lý "Thương người như thể thương thân", "Máu chảy, ruột mềm", "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ" vốn được hun đúc qua truyền thống hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Nghe đến hai chữ “thiện nguyện” như là một nghề cần sự chuyên cần và có cái tâm. Thật vậy, những người làm công tác xã hội từ thiện bất kể nắng, mưa, bất chấp hiểm nguy. “Cái tâm, cái tình” là làm một việc gì đó dù nhỏ nhất để góp cho cuộc sống, góp cho đời thêm thi vị, ý nghĩa; sống là để cho đi một cách tự nguyện; cho đi cả tấm lòng nhân ái, cao cả, thơm thảo nhưng không cần nhận lại bất cứ điều gì!

Một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra giữa trưa hè; bất chấp trời nắng như thiêu đốt, họ tranh thủ khiêng nạn nhân vào chỗ an toàn, sơ cấp cứu ban đầu, điện báo cơ quan chức năng và kêu xe đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, kịp thời giữ lại mạng sống cho người bị nạn.

Thấy một bà lão loay hoay mãi tìm cách qua đường trong khi dòng xe cộ nối đuôi nhau chạy qua, bất kể hiểm nguy, người có tấm lòng thiện nguyện nhìn trước, ngó sau để dìu bà lão qua đường.

Nghe hung tin một vụ hỏa hoạn vừa xảy ra, họ vận động quyên góp giúp đỡ những gia đình gặp rủi ro, đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Khi xảy ra bão lụt ở miền Trung, những người làm công tác thiện nguyện tổ chức quyên góp và mang tiền hay vật chất đến trao tận tay, cứu trợ đồng bào ruột thịt.

Trong cuộc sống đời thường của cả dân tộc ở mọi miền đất nước, không thể kể hết những tấm lòng thiện nguyện của hàng trăm, hàng triệu người đã và đang làm công tác xã hội từ thiện. Có một điều chắc chắn được hun đúc từ truyền thống dân tộc; thể hiện tính nhân đạo giữa con người và con người với nhau. Công tác xã hội từ thiện và những con người làm công tác từ thiện cần được xã hội tôn vinh!

Q.K.K

Chia sẻ bài viết