Tiếng Việt | English

25/05/2022 - 08:53

Nghĩa tình người chiến sĩ biên phòng

Gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre và lực lượng quân sự đã sát cánh cùng BĐBP Long An bám biên, giữ chốt, vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt hơn 2 năm qua. Những việc làm của CBCS các lực lượng tăng cường là nghĩa tình đối với người dân Long An.

Vượt lên những khó khăn, vất vả, các lực lượng tăng cường cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ kép" trong hơn 2 năm qua

Mệnh lệnh từ trái tim

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, biên giới qua địa bàn tỉnh được khóa chặt, không để dịch bệnh xâm nhập từ biên giới vào nội địa. Cũng từ đó, các chốt kiểm soát biên phòng được lập ra trên dọc tuyến biên giới từ huyện Đức Huệ đến Tân Hưng. 36 chốt cùng 12 trạm kiểm soát cố định và 6 tổ kiểm soát lưu động được gấp rút thành lập để khép kín toàn tuyến biên giới. Hầu hết lực lượng BĐBP tại các đồn đều được huy động cắm chốt trên tuyến biên giới. Hơn 134km đường biên, nhiều đường mòn, lối mở, trong khi lực lượng biên phòng còn mỏng nên nhiều lúc gặp khó khăn.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo lực lượng BĐBP một số địa phương tăng cường quân số cho BĐBP tỉnh Long An thực hiện "nhiệm vụ kép" trên tuyến biên giới. Tối ngày 19/3/2020, 75 CBCS đầu tiên của BĐBP các tỉnh: Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre đã có mặt tại Long An, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tiếp đó, lần lượt BĐBP tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Học viện Biên phòng và lực lượng quân sự của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng được tăng cường về Long An tham gia chống dịch trên tuyến biên giới.

Tháng 3/2021, Trung tá Phan Ngọc Cảnh - Trợ lý Chính trị, Phòng Tham mưu, BĐBP tỉnh Nam Định, xung phong nhận nhiệm vụ tăng cường giúp BĐBP Long An chống dịch. Trung tá Cảnh nhận nhiệm vụ tại Chốt Gốc Xoài rồi chuyển đến Bến Trâu, Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường).

Nhớ lại những ngày tăng cường về Long An, Trung tá Phan Ngọc Cảnh cho biết: “Ngay từ khi xung phong nhận nhiệm vụ, tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị nên an tâm tư tưởng. Đó là mệnh lệnh từ trái tim mà mỗi người khi khoác lên mình bộ quân phục đều sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc. Thời gian đầu, khi chúng tôi được tăng cường về Long An cũng gặp nhiều khó khăn như khác biệt về thời tiết, văn hóa, điều kiện cơ sở vật chất ban đầu tại các chốt hầu như còn đơn sơ. Nhưng dưới sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, đặc biệt là của người dân, chúng tôi hòa nhập nhanh để bắt tay thực hiện nhiệm vụ”.

Trung tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thường xuyên thăm, động viên các lực lượng tăng cường tại các tổ, chốt trên tuyến biên giới trong thời gian thực hiện nhiệm vụ

7 tháng được tăng cường về Long An không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là khoảng thời gian rất quý giá đối với Trung tá Cảnh, giúp anh trưởng thành hơn về mọi mặt. “Tôi ấn tượng nhất khi mình từ miền Bắc xa xôi vào nhận công tác nhưng được người dân coi như người thân ruột thịt. Trong những lần đi công tác địa bàn, được gặp gỡ người dân, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về tình quân - dân nơi biên giới. Lực lượng được tăng cường luôn nhận được sự giúp đỡ, động viên của Ban Chỉ huy đồn, từ đó giúp chúng tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Dù đã trở về Nam Định công tác nhưng qua thông tin báo chí hay mạng xã hội, tôi vẫn theo dõi về Long An, về đơn vị, nhớ về những đồng đội và cả những người dân ở Chốt Bến Trâu giàu nghĩa tình, luôn đùm bọc, giúp đỡ chúng tôi trong những ngày "căng mình" chống dịch trên tuyến biên giới Long An” - Trung tá Phan Ngọc Cảnh chia sẻ.

Thiếu tá Trần Ngọc Bình - nhân viên Quân y, ĐBP Cửa Đại, BĐBP tỉnh Bến Tre, cũng là một trong những CBCS được tăng cường về Long An chống dịch. Hơn 4 tháng gắn bó với biên giới Long An trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dù khó khăn, vất vả nhưng đối với Thiếu tá Bình, đó là trải nghiệm rất đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp. “CBCS được tăng cường dù xa gia đình, người thân, quê hương nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần của cấp trên và người dân. Từ Bến Tre đến Long An, chúng tôi nhận thấy, dù đi bất cứ nơi nào, ở đâu cũng đều là gia đình, là quê hương và đong đầy tình cảm mà người dân dành cho BĐBP” - Thiếu tá Trần Ngọc Bình cho biết.

Hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ kép"

Ngày 19/3/2020, những CBCS biên phòng đầu tiên từ các tỉnh được tăng cường về Long An chống dịch, đến ngày 19/5/2022, những người cuối cùng của lực lượng tăng cường đã trở về đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ bình yên biên giới Long An.

Suốt hơn 2 năm qua, vì nhiệm vụ, nhiều CBCS được tăng cường tạm gác nỗi niềm riêng, thậm chí là nỗi đau mất người thân để giữ bình yên nơi biên giới Long An. Còn nhớ, đầu tháng 4/2020, trong ca trực, Trung úy Nguyễn Đình Thông nhận tin buồn người cha nơi quê nhà Hà Tĩnh đột ngột qua đời. Trước yêu cầu nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Đình Thông chỉ kịp thắp nén nhang qua bàn thờ vọng do CBCS ĐBP Bình Thạnh lập ngay tại chốt để bái biệt cha lần cuối.

Tháng 8/2021, sau khi lên đường vào Long An tăng cường chống dịch tại ĐBP Thuận Bình, Thiếu tá Trần Hải Đặng (BĐBP tỉnh Nam Định) nhận được tin cha qua đời tại quê nhà nhưng anh vẫn nén nỗi đau, hướng về quê hương gập đầu tiễn biệt người cha kính yêu rồi tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Hơn 2 năm đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, tất cả lực lượng được tăng cường đã cùng BĐBP tỉnh hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ kép" vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, biên giới quốc gia, vừa tham gia phòng, chống dịch. Những việc làm của các lực lượng tăng cường cũng là nghĩa tình đối với người dân Long An.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, khi dịch Covid-19 bùng phát, riêng đoạn biên giới do đơn vị quản lý được bố trí 6 chốt, 1 trạm kiểm soát cố định cùng 2 tổ kiểm soát lưu động. Để bảo đảm giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, hơn 2 năm qua, ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp được tăng cường 127 CBCS. “Lực lượng của đơn vị rất mỏng, chính lực lượng được tăng cường đã góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ kép"” - Trung tá Nam cho biết. Còn tại ĐBP Sông Trăng (huyện Tân Hưng), Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh - Chính trị viên, khẳng định, hơn 2 năm qua, ngoài sự nỗ lực của toàn đơn vị thì mỗi CBCS được tăng cường đã giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, với đường biên giới trải dài, lực lượng còn mỏng nên trong hơn 2 năm thực hiện "nhiệm vụ kép", BĐBP tỉnh được tăng cường gần 1.000 lượt CBCS từ BĐBP các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Học viện Biên phòng cùng lực lượng quân sự của Quân khu 7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. “Dù đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ nhưng mỗi CBCS được tăng cường về Long An đã đồng cam cộng khổ, khắc phục mọi khó khăn, yên tâm công tác, cùng lực lượng BĐBP tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh lây lan từ biên giới vào nội địa.

Kết quả đó góp phần cùng toàn tỉnh kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi, phát triển KT - XH. Những đóng góp của các lực lượng tăng cường sẽ mãi là tình cảm đối với BĐBP tỉnh và góp phần xây dựng, tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trong lòng nhân dân” - Thượng tá Vũ Minh Tùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết./.

Ghi nhận những đóng góp của các lực lượng tăng cường cho BĐBP tỉnh, 2 năm qua, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 4 cá nhân; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tặng giấy khen cho 211 lượt CBCS là những điển hình tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng cường phòng, chống dịch trên tuyến biên giới tỉnh Long An.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết