Tiếng Việt | English

20/06/2020 - 08:11

Ngoại trưởng các nước Arab sẽ họp khẩn về tình hình Libya

Cuộc họp, được tổ chức theo đề nghị của Ai Cập thông qua hình thức trực tuyến, sẽ diễn ra trong bối cảnh tình hình chiến sự giữa các phe đối lập tại Libya vẫn tiếp diễn.

Lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong cuộc giao tranh với Lực lượng Quân đội miền Đông (LNA) tại Tripoli ngày 2/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong cuộc giao tranh với Lực lượng Quân đội miền Đông (LNA) tại Tripoli ngày 2/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 19/6, Liên đoàn Arab (AL) thông báo kế hoạch sớm tổ chức một cuộc họp khẩn trực tuyến với sự tham gia của ngoại trưởng các nước thành viên nhằm thảo luận về tình hình xung đột leo thang tại Libya.

Trong tuyên bố, Phó Tổng Thư ký AL Hossam Zaki cho biết: "AL hiện đang phối hợp với nước chủ tịch hiện tại (Oman) nhằm xác định thời điểm tổ chức cuộc họp, dự kiến là trong tuần tới."

Cuộc họp, được tổ chức theo đề nghị của Ai Cập thông qua hình thức trực tuyến, sẽ diễn ra trong bối cảnh tình hình chiến sự giữa các phe đối lập tại Libya vẫn tiếp diễn.

Ai Cập, nước ủng hộ Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn hoạt động ở miền Đông, đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình tại Libya.

Hồi đầu tháng này, Ai Cập đề xuất sáng kiến kêu gọi một lệnh ngừng bắn và hòa đàm sau một loạt chiến thắng quân sự của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở Tripoli được Liên hợp quốc công nhận.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này và Italy sẽ phối hợp để thúc đẩy hòa bình ổn định và hướng tới một tiến trình chính trị mang lại các kết quả cụ thể cho Libya.

Phát biểu họp báo chung với người đồng cấp Italy Luigi Di Maio, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn cùng Italy giải quyết các nhu cầu về năng lượng của Libya, như vấn đề điện năng.

Về phần mình, Ngoại trưởng Italy cho rằng các bên xung đột ở Libya cần tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí và không triển khai lính đánh thuê. Ông cũng cho rằng Liên hợp quốc cần bổ nhiệm một phái viên tại Libya càng sớm càng tốt.

Trước đó, ngày 12/6, Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ Phái bộ Hải quân của EU thực thi lệnh cấm vận vũ khí tại Libya.

EU đưa ra đề nghị trên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/4 phản đối một tàu Hy Lạp thuộc phái bộ hải quân EU kiểm tra một tàu vận tải của Thổ Nhĩ Kỳ do nghi ngờ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli, được các nhóm vũ trang và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập hỗ trợ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết