Những ngôi mộ tập thể được Đội K73 quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng
Ngôi mộ tập thể nơi biên giới
Cái nắng gay gắt của những ngày cuối mùa khô khiến khuôn mặt ông Hồ Văn Thương - quản trang tại NTLS huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng lấm tấm mồ hôi. Mấy chục năm làm quản trang tại đây, ông nhớ từng phần mộ của hơn 1.000 ngôi mộ có tên tuổi, địa chỉ và gần 2.000 ngôi mộ chưa xác định tên, được Đội K73 tìm kiếm, quy tập về đây. Trong nghĩa trang có 2 ngôi mộ lớn nằm đối diện ngay dưới chân cột cờ. “Đó là 2 ngôi mộ đặc biệt, một ngôi mộ là nơi an nghỉ của 23 liệt sĩ và ngôi mộ còn lại là nơi an nghỉ của 120 liệt sĩ” - ông Hồ Văn Thương cho biết.
Suốt 22 năm làm công việc quản trang của ông, lần quy tập 120 hài cốt tập thể như một ký ức không thể quên trong suốt cuộc đời. Đó là mùa khô đầu tiên Đội K73 thực hiện nhiệm vụ. Xuyên suốt từ năm 2001 đến giữa năm 2002, hơn 800 bộ hài cốt liệt sĩ được quy tập về NTLS huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng an táng. Trong số các hài cốt liệt sĩ được quy tập năm ấy, điều đặc biệt là hài cốt của 120 liệt sĩ hy sinh tại xã Po Th’Rich, huyện Svay Ch’Rum, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia, được xếp chung trong chiếc quách lớn phủ Quốc kỳ. Ngôi mộ tập thể 120 liệt sĩ được đặt trang trọng trong khuôn viên nghĩa trang và 3 năm sau, Đội K73 lại một lần nữa tìm được phần mộ tập thể của 23 liệt sĩ hy sinh tại ấp KomPốt-B’Ró, xã Ch’Pọ-M’Tế, huyện Svay Tiep, tỉnh Svay Rieng, đưa về NTLS huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng an nghỉ. Thông tin ít ỏi về ngôi mộ tập thể, nhất là ngôi mộ tập thể 120 liệt sĩ khiến chúng tôi tò mò. Đó là trận đánh nào, đơn vị nào, quá trình cất bốc đưa các anh về không có tài liệu nào ghi chép. Tìm đến Đội K73, chúng tôi cũng chỉ có thêm một số thông tin về ngày, tháng tìm kiếm, cất bốc, đưa các liệt sĩ về với lòng đất mẹ. Trung tá Trần Chí Công - Đội trưởng Đội K73, cho biết: “Trong hồ sơ ghi rõ ngày cất bốc, đưa các liệt sĩ về nhưng để hiểu hơn về quá trình cất bốc, các bạn phải gặp Đại tá Hoàng, thời điểm đó, chính Đại tá Hoàng là người tổ chức tìm kiếm, cất bốc, đưa các anh về”.
Gian nan trong hành trình tìm kiếm
Và thật may khi chúng tôi gặp lại Đại tá Trần Văn Hoàng - nguyên Đội trưởng Đội K73, ông vẫn nhớ như in câu chuyện tìm kiếm, cất bốc phần mộ tập thể 120 liệt sĩ 16 năm về trước.
Đó là một ngày đầu năm 2002, Đội K73 nhận được thông tin mộ liệt sĩ từ một người dân Campuchia báo tại khu vực xã Po Th’Rich có mộ chôn cất nhiều bộ đội Việt Nam hy sinh năm 1970 trong trận chiến đấu với ngụy quân Lonnon. Ngược dòng lịch sử, vào ngày 11/12/1970, khu vực này diễn ra trận đánh ác liệt của bộ đội ta gồm Tiểu đoàn 3 (quân giải phóng người Việt kiều chuyên làm nhiệm vụ dẫn đường); Tiểu đoàn 28 Đặc công và C30 (thuộc Sư đoàn 9) với mục tiêu phá vỡ phòng tuyến ngụy quân Lonnon, mở đường vào thị xã Svay Rieng. Trong trận đánh ấy, Tiểu đoàn 28 Đặc công đánh vào trước rồi C30 và Tiểu đoàn 3 đánh vào sau. Tuy nhiên, đợt sau quân ta bị ngụy quân Lonnon phát hiện, tổ chức phục kích, nhiều bộ đội thuộc C30 và Tiểu đoàn 3 hy sinh, bị ngụy quân Lonnon đưa xác về thị xã Svay Rieng. “Tất cả thông tin về trận chiến chỉ có vậy, thời gian qua đi, cũng không ai biết ngày ấy ngụy quân Lonnon đưa thi thể những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam chôn giấu nơi đâu. Rồi bỗng chúng tôi nhận được thông tin khu vực xã Po Th’Rich có chôn cất 120 hài cốt liệt sĩ nên lên kế hoạch quy tập để đưa các anh về” - Đại tá Trần Văn Hoàng kể lại.
Theo đại tá, thông tin ít ỏi, địa hình có nhiều thay đổi so với trước đây khiến việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn. Bắt tay thực hiện nhiệm vụ, cán bộ Đội K73 trực tiếp qua xã Po Th’Rich tìm người dân từng sống trong khu vực này trong thời chiến để chỉ dẫn các vị trí nghi là nơi chôn cất bộ đội ta. May mắn, một người lính của Quân đội Hoàng gia Campuchia làm nhiệm vụ bảo vệ Đội K73 thực hiện nhiệm vụ thông tin với đoàn là ba anh có quen với ông Trải - lính Sư đoàn 9 cũ, từng chiến đấu tại đây, hiện sinh sống và lấy vợ tại tỉnh Svay Rieng. “Có được thông tin quý giá, chúng tôi trực tiếp gặp ông Trải và được nghe ông kể về trận chiến năm xưa cũng như nơi chôn cất 120 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến ấy. Nhưng khi đến nơi, ông Trải không còn nhận ra khi địa hình thay đổi quá nhiều. Ngày trước, khu vực này hoang tàn, nay nhà cửa san sát” - Đại tá Hoàng kể lại.
Từ thông tin của ông Trải và những người dân Campuchia, dần dần, Đội K73 xác định khoảng sân rộng gần 100m2 chính là nơi chôn cất hài cốt của 120 liệt sĩ. Một mặt, đội cho cán bộ, chiến sĩ đào thăm dò quanh khu vực. Mỗi hố thăm dò rộng 1 mét, sâu 1 mét và cách nhau 1 mét. Mặt khác, đội cử cán bộ tiếp tục xác minh thông tin để phòng trường hợp nhầm lẫn với các hài cốt khác. Sau 1 tuần tìm kiếm, các chiến sĩ Đội K73 phát hiện những dấu hiệu đầu tiên. “Đó là lớp đất nâu khác hoàn toàn đất nguyên thủy chưa đào lấp, cán bộ, chiến sĩ biết chắc chắn các liệt sĩ đang nằm gần đây. Niềm vui khôn xiết như khỏa lấp bao mệt mỏi, khó khăn trong công tác tìm kiếm dưới cái nắng như đổ lửa trên vùng đất bên kia biên giới. Rồi những phần xương, mảnh đạn, quân trang của liệt sĩ dần dần được tìm thấy, mấy chục năm nằm lại trên đất bạn khiến một phần xương cốt các liệt sĩ hòa vào từng thớ đất. Nhẹ tay lật từng lớp đất, lần lượt những phần hài cốt còn sót lại cùng những kỷ vật được chiến sĩ Đội K73 nâng niu gói, bảo quản, đưa về với đất mẹ” - Đại tá Trần Văn Hoàng nhớ lại.
Vừa quy tập xong ngôi mộ tập thể, Đội K73 lại nhận được thông tin quý, cha của anh lính Quân đội Hoàng gia Campuchia cũng là người bạn ông Trải là ông Xây-Keo lúc đó làm giao thông công chánh, trực tiếp xác nhận phần mộ đơn vị mới quy tập là do chính tay ông chôn lấp bằng máy ủi trên diện tích gần 30m2. Đây cũng là thông tin trùng hợp với diện tích gần 30m2 mà đơn vị tìm thấy hài cốt các liệt sĩ. Chưa dừng lại ở đó, để kiểm chứng thông tin một lần nữa, qua lời kể của ông Trải, ngày ấy, ông nhớ có một người tên Út Mười Hai chỉ huy trận chiến, nhưng sau trận ấy, ông Trải cũng bặt tin đến nay. Từ thông tin của ông Trải, một số cán bộ Đội K73 lại dò hỏi thông tin từ các Ban Liên lạc Sư đoàn 9 cũ và được biết, ông Út Mười Hai đang sinh sống tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Qua thông tin từ ông Út Mười Hai, lúc này, đơn vị mới chắc chắn ngôi mộ tập thể ấy chính xác là nơi chôn cất 120 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong trận chiến.
Thế mới biết, để quy tập được các hài cốt liệt sĩ, những cán bộ, chiến sĩ Đội K73 phải vất vả thế nào! 2.104 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên chiến trường Campuchia được Đội K73 quy tập đưa về an nghỉ tại NTLS huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng đã nói lên tất cả những cố gắng của cán bộ, chiến sĩ trong 17 giai đoạn, từ năm 2001 đến nay.
“Phía bên kia biên giới, vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chưa được tìm thấy và nhiệm vụ của chúng tôi - những người lính K73 phải cố gắng quy tập, đưa các anh về với đất mẹ” - Trung tá Trần Chí Công - Đội trưởng Đội K73, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết./.
Chúng tôi liên hệ với ông Út Mười Hai, tên thật là Nguyễn Thanh Vận (75 tuổi), ngụ xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, thì trong trí nhớ của ông, trận đánh đó, quân ta có 120 chiến sĩ hy sinh không lấy được thi thể, ông bị thương nặng, phải rời quân ngũ. Cũng trong trận chiến ấy, còn có ông Nguyễn Thực Hiện - nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 28 Đặc công, nguyên Phó Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 28 Đặc công. “Trong trận đánh đó, Tiểu đoàn Đặc công 28 là đơn vị đánh chủ lực ngày hôm trước, còn C30 và Tiểu đoàn 3 tăng cường để chốt chặn quân chi viện của địch trong đêm. Tuy nhiên, cánh quân chi viện của ta gồm C30 và Tiểu đoàn 3 bị ngụy quân Lonnon phục kích , nhiều chiến sĩ hy sinh” - ông Nguyễn Thực Hiện cho biết. |
Kiên Định