Được nuôi dưỡng từ cái nôi nhạc lễ và nhạc tài tử
NSƯT-NNDG danh cầm Ba Tu tên thật là Trương Văn Tự, sinh năm 1936, tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An - một vùng quê xưa nay được mệnh danh là cái nôi của nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ “Nhứt Bạc Liêu, nhì Cần Đước”. Có nghĩa là ở Nam bộ ngày xưa có 2 trường phái nhạc lễ và nhạc tài tử, trường phái miền Tây cái nôi ở Bạc Liêu, trường phái miền Đông là huyện Cần Đước, tỉnh Long An (bởi Long An thuộc Quân khu 7 của miền Đông) - nơi mà đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) là một quan nhạc triều đình nhà Nguyễn dừng chân ở đây để đào tạo nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ.
Ngay từ buổi đầu dòng nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ được hình thành thì Cần Đước có một lực lượng nghệ nhân rất hùng hậu và từ đó ở khu vực miền Đông Nam bộ lấy Cần Đước làm cái nôi cho 2 dòng nhạc cổ truyền này. NSƯT-NNDG Ba Tu được hấp thụ truyền thống âm nhạc của cái nôi ở quê nhà, lại được gia đình rất quan tâm giáo dục, ban ngày cho ông đến trường học chữ, tối rước thầy đờn về nhà học nhạc. Năm 14 tuổi, Ba Tu học nhạc lễ và nhạc tài tử với 3 ông thầy nhạc: Hai Đạm (học bộ gõ), Bảy Huế (Tranh và Cò), Chín Phàn (Kìm)… Ông học nhạc suốt 3 năm, 17 tuổi ông được các thầy dẫn đi hành nghề nhạc lễ.
Đến với cải lương chuyên nghiệp
Sau 3 năm học nhạc và 8 năm theo các thầy rèn nghề, năm 25 tuổi, Ba Tu lên Sài Gòn đờn chánh cho Ban ca kịch Vân Hạt (Đài Phát thanh Sài Gòn) rồi lần lượt đờn qua các gánh Cải lương Phước Thành, Minh Tơ, Tiếng Vang, Thủ Đô…
Từ năm 1961-1975 ở Sài Gòn, NSƯT-NNDG Ba Tu vừa đờn cho sân khấu cải lương, thỉnh thoảng ông còn hành nghề nhạc lễ để mưu sinh, ông còn hòa nhập vào Hội Danh cầm Sài Gòn, thường xuyên gặp gỡ hòa đờn với những danh cầm tài tử - cải lương trứ danh để rèn nghề và học hỏi thêm những tinh hoa âm nhạc, như những ông Chín Trích, Sáu Tửng, Hai Lòng, Hai Thơm, Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Bá,… Nhờ đó mà NSƯT-NNDG Ba Tu điêu luyện thêm về dòng nhạc cải lương. Theo ông, nhạc lễ và nhạc tài tử là nền tảng căn cơ về hơi điệu, nhịp nhàng vững vàng để bước sang cải lương không khó, vì các thể điệu sử dụng trong cải lương là chặt khúc từ các thể điệu của nhạc tài tử, tăng tiết tấu và trau chuốt chữ đờn cho mượt mà, nắn nót theo cảm xúc ca diễn của diễn viên trong từng trạng thái, tâm lý nhân vật và tình huống kịch…
Sau năm 1975, NSƯT-NNDG Ba Tu đờn cho Đoàn cải lương Sài Gòn III 2 năm, với vai trò đờn chánh và còn là thầy đờn dạy kỹ thuật ca ngâm, hơi giọng cho một số đào, kép khi gặp những bài bản lớn và khó. Năm 1978, ông được mời về Nhà hát Trần Hữu Trang (biên chế chính thức) đờn chánh cho Đoàn I và góp phần đào tạo nhiều diễn viên trẻ qua các khóa của nhà hát. Những vở nổi tiếng ăn khách lâu dài của nhà hát do ông đờn chánh như: Đời Cô Lựu, Đêm phán xét, Dương Vân Nga, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga,… Đến năm 1992, cục diện sân khấu cải lương thưa vắng khán giả, NSƯT-NNDG Ba Tu xin rời Nhà hát Trần Hữu Trang, sau đó, ông trở lại hoạt động nghề nhạc tài tử cho đến nay.
Những cống hiến cho nền âm nhạc cổ truyền
Khi rời sân khấu cải lương, NSƯT-NNDG Ba Tu vẫn tiếp tục cộng tác cho hãng dĩa Sài Gòn Audio – Video, thỉnh thoảng đờn cho hãng băng Việt Nam, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM. Ông còn làm giám khảo cho hầu hết các cuộc thi, liên hoan đờn ca tài tử cấp khu vực và toàn quốc…
Nói về nhạc tài tử, NSƯT-NNDG Ba Tu cùng với cố NSƯT Vũy Chỗ, NSƯT Công Thành, NNDG Bạch Huệ,… đào tạo nhiều khóa nâng cao đờn ca tài tử cho Trung tâm Văn hóa TP. HCM và một số tỉnh liên tục cho đến nay. Đặc biệt, ông còn cùng với cố NSƯT Vũy Chỗ xây dựng một chương trình Đờn ca tài tử, với 2 nghệ nhân ca là cố NSƯT Tấn Đạt và NS Kim Loan được Nhà Văn hóa Thế giới tại Cộng hòa dân chủ Đức mời biểu diễn. Đây là chương trình Đờn ca tài tử Nam bộ lần đầu sau năm 1975 được giới thiệu với nhiều nước trên thế giới (năm 1999), và rất được khán giả bên đó vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt.
Những cống hiến của NSƯT-NNDG danh cầm Ba Tu hơn 50 năm với nghiệp vĩ, khó mà thống kê hết được. Thành tích của ông, ngoài giai đoạn phục vụ cho sân khấu cải lương và truyền nghề cho nhiều nơi, ông còn để lại cho nền âm nhạc cổ truyền một số di sản quý giá. Đó là bộ dĩa CD (4 dĩa) – độc tấu đờn Kìm 20 bản tổ nhạc tài tử Nam bộ (được xem là một tác phẩm lớn lưu lại trong kho tàng nhạc tài tử mà xưa nay chưa có ai để lại), 1 dĩa VCD hòa tấu chương trình nhạc lễ Nam bộ về biểu diễn trống nhạc và đánh Bồng chập, là những bài nhạc lễ với loại nhạc cụ Bồng lâu nay bị thất truyền; nay được NSƯT-NNDG Ba Tu phục hồi và lưu lại cho đời sau. Ngoài ra, ông còn cùng những danh cầm khác hòa tấu nhiều chương trình nhạc tài tử - cải lương lưu lại bằng dĩa CD, VCD được phát hành rộng rãi trên toàn quốc.
Nếu nói về ngón đờn Kìm tài hoa của NSƯT-NNDG danh cầm Ba Tu, chúng tôi không dám nhận xét, chỉ cảm nhận khi được nghe qua các bộ dĩa mà ông độc tấu, hòa tấu… Trước tiên, từ sau giải phóng (1975) cho đến bây giờ, ngón đờn Kìm tài hoa của NSƯT-NNDG Ba Tu là bậc thầy số 1 chưa ai sánh kịp, đó là nhận xét của nhiều danh cầm có uy tín trong giới, như NSND – danh cầm Bảy Bá, NSƯT – danh cầm Văn Giỏi, NSND – danh cầm Thanh Hải, NSDG Bạch Huệ… Ngay khi bước vào cuộc, ông ngồi tư thế ôm đờn Kìm chững chạc như “Quân tử cầm”, ngón đờn nhấn nhá, nắn nót từng âm sắc như tiếng nói tự sự của con người… Ông diễn tấu các bản Bắc chạy ngón tươi mượt, trẻ trung nhưng rất xôm tụ, hùng tráng và trang nghiêm ở bảy bài Bắc Lễ; các bản Nam thì trầm buồn giàu cảm xúc cùng thẩm âm như tâm trạng của ông gởi vào đó; các bản Oán thì sâu lắng, mùi mẫn và độc đáo ở chữ “Xang” như tiếng của một người mang tâm sự ai oán của nỗi niềm trắc ẩn vậy…
Với ngón đờn tài hoa, tinh thần thượng nhạc “Quân tử cầm” của NSƯT-NNDG danh cầm Ba Tu truyền lại cho nhiều môn đệ ảnh hưởng phong cách diễn tấu của ông; những ngón đờn Kìm nổi tiếng và có thể kế thừa sự nghiệp ông.
Năm 2015, NSƯT-NNDG danh cầm Ba Tu trải qua cơn bạo bệnh, nay ông khỏe và bước vào bát tuần; dù tuổi cao nhưng ngón đờn Kìm hiện nay vẫn còn phong độ và rất được tôn vinh là “Đệ nhất danh cầm đờn Kìm”./.
Đỗ Dũng