Tiếng Việt | English

29/08/2020 - 20:16

Người phụ nữ kéo cờ trong ngày Quốc khánh 2/9/1945 đã qua đời ở tuổi 95

Bà Lê Thi - một trong hai người phụ nữ được chọn kéo cờ ngày Độc lập 2/9/1945, vừa qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 95 tuổi.

Ngày 29/8, thông tin từ gia đình bà Lê Thi - một trong hai phụ nữ được chọn kéo cờ Ngày độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội đã từ trần vào hồi 7h50 ngày 28/8 do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 95 tuổi.

Tang lễ bà Lê Thi được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) từ 9h30 đến 10h45 ngày 1/9; an táng ngày 2/9 tại nghĩa trang xã Phú Minh (Sóc Sơn, Hà Nội).

Bà Lê Thi, người phụ nữ kéo cờ Ngày độc lập 2/9/1945, vừa qua đời. (Ảnh: T.Vương)

Bà Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa (SN 1926, bí danh là Lê Thi), bà là con của nhà giáo nổi tiếng, Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.

Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương, Hà Nội), dù được cha định hướng đi theo ngành sư phạm song bà Lê Thi lại sớm giác ngộ cách mạng, tham gia Đội phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ cách mạng.

Trước buổi lễ 2/9/1945 diễn ra khoảng 1 tuần, bà Lê Thi nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ ở Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề để chờ đến ngày trọng đại.

Sáng 2/9/1945, bà Lê Thi dẫn đầu Đoàn phụ nữ Hàng Bông đến Quảng trường Ba Đình. Một cán bộ trong ban tổ chức Ngày lễ Độc lập đến thông báo cử một phụ nữ lên kéo cờ. Các chị em lập tức đồng thanh cử bà lên kéo cờ. Vậy là bà trở thành nhân vật lịch sử tham gia một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Cùng kéo cờ với bà Lê Thi hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ đại tướng Hoàng Văn Thái. Bà Loan đã mất năm 2010.

Sau Ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia cách mạng trong Hội Phụ nữ cứu quốc của quận Hoàn Kiếm và tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau đó, bà được cấp trên điều về công tác bí mật tại Hà Nội rồi tham gia nghiên cứu, giảng dạy và giữ chức Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam, rồi Viện trưởng Viện Gia đình và giới, đến năm 2000 bà nghỉ hưu.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà Lê Thi vinh dự được trao tặng nhiều Huân, Huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết