Tiếng Việt | English

03/04/2017 - 15:03

Nông dân ồ ạt xuống giống vụ Hè Thu

Nguy cơ sâu, bệnh hoành hành

Mặc dù chưa đến lịch gieo sạ vụ lúa Hè Thu (HT) nhưng đến thời điểm hiện tại, hàng ngàn hécta được nông dân xuống giống, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Việc gieo sạ không theo kế hoạch rất dễ dẫn đến việc bùng phát các loại sâu, bệnh gây hại trên cây lúa, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất.


Hàng loạt diện tích vừa thu hoạch được người dân làm đất chuẩn bị xuống giống không theo lịch thời vụ

Ồ ạt xuống giống vụ Hè thu

Mặc dù ngành nông nghiệp từ tỉnh đến các huyện, thị xã khuyến cáo nông dân không xuống giống vụ lúa HT trong tháng 3 nhưng đến thời điểm này, nông dân các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng vẫn ồ ạt xuống giống vụ lúa HT sớm.

Tại xã Hưng Điền B, những diện tích thu hoạch sớm đều được người dân cày trục để chuẩn bị sạ lúa. Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Hưng Điền B cho biết: “Cả khu vực vừa thu hoạch tại ấp Gò Pháo này đều được người dân cày trục để xuống giống vụ lúa HT. Vụ lúa Đông Xuân (ĐX) năng suất không cao nên gia đình tôi tranh thủ làm vụ lúa HT sớm để bù lại, chứ để ruộng không thì phí lắm!”.

Còn anh Huỳnh Văn An cho rằng: “Mặc dù biết chưa đến lịch thời vụ nhưng ai cũng làm, mình không theo không được”.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, huyện Tân Hưng thu hoạch được 22.975ha trong tổng số hơn 38.000ha vụ lúa ĐX. Một số diện tích thu hoạch sớm, người dân ồ ạt xuống giống vụ lúa HT sớm. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, diện tích lúa gieo sạ của huyện trong vụ HT hiện gần 14.000ha, tại hầu hết các xã trong huyện. Còn tại huyện Vĩnh Hưng, đến ngày 25/3/2017, số diện tích gieo sạ vụ HT cũng trên 700ha.


Một số diện tích lúa gieo sạ sớm từ 30 ngày tuổi rất dễ bị các đối tượng sâu, bệnh gây hại

Dự kiến, các huyện vùng Đồng Tháp Mười xuống giống theo lịch thời vụ như sau: Đợt 1 từ ngày 07 đến 17/4/2017; đợt 2 từ ngày 05 đến 15/5/2017; đợt 3 từ ngày 02 đến 12/6/2017.

Bất chấp khuyến cáo

Vụ lúa ĐX năm 2016-2017, ngành nông nghiệp các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng chịu ảnh hưởng nặng nề do sâu, bệnh phá hoại. Nếu như mọi năm, năng suất trung bình vụ lúa ĐX luôn đạt trên 8 tấn/ha thì năm nay, năng suất giảm hẳn, cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 7 tấn/ha.

Đặc biệt, năm nay, do thời tiết diễn biến biến thất thường, mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện, là điều kiện thuận lợi để sâu, bệnh phát triển gây hại trên lúa. Vụ lúa ĐX vừa qua, sâu năn bùng phát và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên 10.000ha lúa bị nhiễm bệnh, làm giảm năng suất từ 20-70%; rầy nâu tiếp tục diễn biến khó lường, gây hại trên lúa.

Trước nguy cơ dịch bệnh diễn biến bất thường, để cho đất có thời gian nghỉ ngơi, tiêu diệt các mầm mống bệnh và chủ động ứng phó với hạn, mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đặc biệt lưu ý các địa phương không xuống giống lúa HT trong tháng 3 vì những tháng đầu năm 2017, lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thường xuống mức thấp dẫn đến nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.

Hiện tại, diện tích lúa ĐX chưa thu hoạch còn khá lớn, việc gieo sạ lúa HT sớm sẽ là điều kiện thuận lợi để các đối tượng dịch hại như rầy nâu, sâu năn,... di trú và gây hại trên trà lúa HT. Từ đó, dẫn đến việc quản lý mùa vụ khó khăn hơn. Thế nhưng, bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng, người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười vẫn ồ ạt xuống giống lúa HT.

Tiến sĩ Lê Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: “Việc xuống giống ngay sau khi thu hoạch vụ lúa ĐX sẽ dẫn đến mầm bệnh từ vụ mùa trước có điều kiện sinh sôi, phát triển trong vụ mùa kế tiếp. Bên cạnh đó, việc xuống giống liên tục, không cho đất có thời gian nghỉ ngơi còn làm giảm độ phì nhiêu trong đất, dẫn đến tăng chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, giảm lợi nhuận của người dân”./.

Kiên Định-Trung Kiên

Chia sẻ bài viết