Tiếng Việt | English

25/06/2022 - 16:56

Nguy cơ tổn thất hơn 10.000 tỉ USD vì mất an toàn không gian mạng

An toàn không gian mạng đang trở thành vấn đề bức thiết bởi các vụ đánh cắp dữ liệu ngày càng tinh vi hơn và gây ra thiệt hại tới hàng nghìn tỉ USD mỗi năm.

Tính đến cuối năm 2021, nguy cơ mất an toàn không gian mạng dự kiến sẽ làm thế giới tổn thất 6.000 tỉ USD và tăng lên 10.500 tỉ USD vào năm 2025 (báo cáo tại Hội thảo về An toàn Không gian mạng Việt Nam 2022 - Viet Nam Security Summit 2022 diễn ra mới đây ở Hà Nội). Theo các chuyên gia, thực tế trên đã kéo theo sự phát triển của thị trường chống đánh cắp dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu, dự kiến đạt 6.265 tỉ USD vào năm 2026.

Thị trường an toàn thông tin dự kiến cũng tăng trưởng vượt bậc. Ảnh AFP

Thị trường an toàn thông tin dự kiến cũng tăng trưởng vượt bậc. Ảnh AFP

Tại Việt Nam, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2022, tổng sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin trong nước tương đối lớn, lên tới 2.643 vụ bị phát hiện, gồm 2.022 cuộc tấn công cài mã độc, 378 cuộc tấn công lừa đảo và 243 sự cố thay đổi giao diện.

So với khu vực, quy mô thị trường an toàn thông tin mạng Việt Nam được dự đoán sẽ đứng thứ nhất ASEAN với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt 16% từ năm 2015 đến 2025. Thị trường an toàn thông tin dự kiến cũng tăng trưởng vượt bậc đạt khoảng 350 triệu USD và giá trị thị trường đám mây sẽ đạt tiềm năng 77,5 tỉ USD vào năm 2026.

Để giải quyết vấn đề quy định và nhu cầu bảo mật phân mảnh, chương trình đánh giá an ninh mạng NESAS được chuẩn hóa bởi cả GSMA (Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu) và 3GPP (Nhóm Dự án Đối tác Thế hệ thứ 3) đã ra đời. NESAS được 3GPP hoàn thiện Cơ chế đánh giá bảo mật vào năm 2012 và được GSMA phát triển Tiêu chí đánh giá quá trình 2 năm sau đó.

Ông Xiaoxin Gong, chuyên gia cao cấp đến từ Trung tâm An toàn Bảo mật Toàn cầu của Huawei nói: "Là thành viên và đối tác tích cực của hàng loạt tổ chức uy tín về an ninh mạng, chúng tôi đã chủ động đóng góp vào hệ sinh thái an ninh mạng toàn cầu thông qua các hợp tác trong hệ sinh thái ngành".

Từ năm 2020, thiết bị mạng lõi và không dây 5G của Huawei (gồm 5G RAN gNodeB, 5G Core UDG, UDM, UNC, UPCF) và LTE eNodeB đã vượt qua bài đánh giá của NESAS. Hằng năm, tập đoàn vẫn đệ trình lên 3GPP và được thông qua nhiều đề xuất bảo mật, phát triển tiêu chuẩn bảo mật H(e)NB và đẩy mạnh nghiên cứu bảo mật trên hệ truyền thông máy đến máy - M2M.

Theo ông Xiaoxin, bảo vệ dữ liệu khách hàng không chỉ đơn thuần là yêu cầu pháp lý, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, do vậy doanh nghiệp luôn cần cẩn trọng, tuân thủ luật, quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu ở mọi quốc gia có trụ sở. "Chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư hơn 100 tỉ USD vào R&D trong 5 năm tới, nhằm giới thiệu những giải pháp an ninh mạng toàn diện và hiệu quả", lãnh đạo hãng nhấn mạnh.

Bên lề hội thảo, bà Fiona Li - Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại Huawei Việt Nam chia sẻ thêm về cam kết của hãng trong việc cung cấp cho các đối tác trong nước những công nghệ sáng tạo và bảo mật nhất, đạt được mục tiêu chuyển đổi số, đồng thời khẳng định sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giải pháp tối ưu, cùng với hệ sinh thái tốt nhất nhằm hỗ trợ các đối tác tại đây đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của họ.

Ở lĩnh vực tài chính trên không gian mạng, báo cáo mới đây của hãng bảo mật Kaspersky cho thấy Việt Nam nằm trong khu vực (Đông Nam Á) nơi lừa đảo tài chính được ghi nhận là một hình thức phổ biến. Philippines là quốc gia có tỷ lệ tấn công tài chính cao nhất với 64,03%, tiếp theo là Thái Lan với 56,35%.

Với 26,36%, Việt Nam có tỷ lệ bị tấn công tài chính thấp nhất so với các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với trung bình của Đông Nam Á (43,06%). Đây là kết quả từ nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về an ninh tài chính và dữ liệu trên không gian mạng, trong bối cảnh gia tăng của ngân hàng di động và ví điện tử trong khu vực./.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết


Gói Data Viettel tại vietteldata.vn