Nơi thờ Nguyễn Huỳnh Đức tại phường Khánh Hậu, TP.Tân An
Xuất thân từ một gia đình quan võ – cha là Huỳnh Công Lương, ông nội là Huỳnh Công Châu đều làm đến Thủy sư đô đốc; lúc trẻ tuổi Nguyễn Huỳnh Đức có công khai hoang mở đất Ba Giồng (Gò Yến, Gò Kỳ Lân, Gò Qua Qua); ông có sức mạnh hơn người, đương thời đã được gọi là “Hổ tướng”. Thuở ban đầu, ông ở trong đạo quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn, đến năm 33 tuổi (1781) mới theo Nguyễn Ánh, được tiến cử làm Tiền quân.
Năm 1783 trong trận Đồng Tuyển, ông cùng 4.000 quân bị nghĩa quân Tây Sơn đánh bại và ông bị bắt làm tù binh. Với tính khí khẳng khái trung quân, tài thao lược, ông được Nguyễn Huệ trọng dụng cho vào hàng ngũ ra Bắc đánh quân chúa Trịnh; ông lập công to nên được Nhà Tây Sơn cho ở lại giữ đất Nghệ An và cử làm phó tướng của Nguyễn Văn Duệ; nhưng sau Duệ phản lại Nguyễn Huệ, nên ông có dịp trốn sang Xiêm về lại theo Nguyễn Ánh.
Năm Canh Tuất 1790 Nguyễn Huỳnh Đức được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, ra đánh chiếm Phan Rí, chiếm cửa Thị Nại ở Bình Định, rồi lấy thành Quy Nhơn. Năm 1799, ông trở về cai quản Định Tường. Khi Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, ông được cử ra trấn giữ phủ Quy Nhơn.
Cũng năm đó (Nhâm Tuất, 1802), Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông được phong tước Quận công, giữ chức Tổng trấn thành Bình Định. Năm 1810 ông ra Bắc nhậm chức Tổng trấn Bắc thành, kiêm Khâm sai Chưởng tiền quân. Năm 1815, ông lại được vua Gia Long bổ nhiệm về Nam làm Tổng trấn thành Gia Định, cai quản cả Lục tỉnh Nam Kỳ (khi đó Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn).
Nguyễn Huỳnh Đức mất ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Mão (1819) khi đang tại chức và được đưa về an táng tại quê nhà ở thôn Tường Khánh. Ông được triều đình truy tặng Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó quận công, được thờ ở miếu Trung hưng công thần tại kinh đô Huế; lại truy cấp 100 mẫu ruộng ở làng Mậu Tài, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên để phụng tự. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy tặng là Kiến Xương Quận Công.
Ông có 4 người con trai đều xuất thân là võ quan, có 2 người là rể vua Gia Long. Nguyễn Huỳnh Đức trong lịch sử là một đại công thần khai quốc của triều Nguyễn, một “Hổ tướng” lừng danh đất Ba Giồng, cũng là người có công khai phá Giồng Cái Én (Khánh Hậu), được nhân dân tôn thờ như một vị Tiền hiền. Tương truyền, đương thời ở Nam kỳ đã có câu hát khóc ca ngợi ông (**):
Ngậm ngùi thay, tôi trung liệt
Giữ một tiết ngay, ở cùng chúa
Vẹn toàn câu chung thủy!
Ước tự ngàn xưa có mấy ai!
Nguyễn Huỳnh Đức thật sự vừa là một danh tướng và là một trung thần bị chi phối bởi ý thức hệ phong kiến, song ông là một công thần tài giỏi, thanh liêm và từng vang danh cả nước một thời, rất cần được ghi nhận về công đức từ góc độ của quan niệm “trung quân - ái quốc”. Từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa đã liệt hạng lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một trong 404 cổ tích ở Đông Dương.
Năm 1993, khu lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, để bảo tồn tôn tạo (Quyết định số 534 – QĐ/BT, ngày 11-5-1993). Trước năm 1975, tên của ông từng được đặt tại thành phố Sài Gòn; Tiểu sử Nguyễn Huỳnh Đức được đưa vào sách Địa chí Tiền Giang, xuất bản năm 2007 và tên ông được đặt thành tên đường tại thành phố Mỹ Tho.
Long Thái
----------------------------------------------------
(*) Theo tạp chí Xưa và Nay, số 144 tháng 7 năm 2003: tên gọi chính là Huỳnh Công Đức đáng tin cậy hơn, vì cha và ông nội của ông đều có chữ lót là Công (cha là Lương Thiện hầu Huỳnh Công Lương, ông nội là Châu Ngọc hầu Huỳnh Công Châu). (Xem bài “Quận công Nguyễn Huỳnh Đức”, Nguyễn Ngọc Quang, trang 16,17, 18).
(**) Tạp chí Tri Tân 1941 – 1946, các bài viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam, tập 1, Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Hà Nội, 2000, trang 154.