Tiếng Việt | English

19/11/2015 - 18:21

Nhà cổ trăm tuổi “kêu cứu”

Sau khi 1 căn nhà cổ tại “Xóm nhà giàu” (ấp Thanh Phú, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) được trùng tu và đưa vào sử dụng, hiện một căn nhà khác tại di tích này cũng xuống cấp nặng. Tỉnh vẫn đang chờ nguồn vốn xã hội hóa bởi kinh phí để trùng tu căn nhà này quá lớn trong khi ngân sách địa phương có hạn.


Căn nhà của ông Phuôn hiện nay đang xuống cấp

Nhà cổ thành...nhà hoang!

Báo Long An từng phản ánh tình trạng nhà cổ của dòng họ Nguyễn Hữu tại di tích cấp quốc gia “Xóm nhà giàu” được công nhận năm 2007 xuống cấp nặng. Sau đó, năm 2012, tỉnh có chủ trương trùng tu 1/3 ngôi nhà tại cụm nhà cổ với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng. Hiện nay, sau khi sửa chữa, ngôi nhà nói trên do bà Trần Thị Ba, vợ của ông Nguyễn Hữu Niên ở.

Trong quá trình trùng tu, phần lớn các chi tiết quan trọng được giữ lại nên ngôi nhà vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi nhà cổ cạnh đó thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hữu Phuôn (do con gái ông Phuôn là bà Nguyễn Thị Ngà đang quản lý) cũng chịu chung số phận.

Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 17-11-2015, phần lớn các hạng mục của ngôi nhà nói trên như nền, cửa, tường cột đều bị nứt, gãy. Vị trí hư hại nhiều nhất tập trung ở phần phía trước ngôi nhà. Lo sợ nhà sập, chủ nhà phải dùng các cột gỗ lấp vào vị trí các cột bê tông đã bị hư, gãy. Cũng vì bị xuống cấp nên thời gian qua, ngôi nhà này gần như đóng cửa quanh năm, hiện trước của ngôi nhà được chủ nhà tận dụng để phơi củi, chứa đồ đạc.

“Được biết, tỉnh đã có chủ trương trùng tu lại ngôi nhà. Chúng tôi rất cảm ơn và mong việc trùng tu sớm được thực hiện bởi không biết với tuổi thọ hàng trăm năm, ngôi nhà còn trụ được bao lâu nữa”, chủ nhà này nói.

Chủ nhà xin tự sửa chữa

Cũng tại cụm di tích, hiện còn 1 ngôi nhà cổ nữa thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hữu Xuân. Theo ông Xuân, năm 2003, do nhà xuống cấp nên ông đã tự bỏ kinh phí để gia cố lại, thời điểm đó chi phí gia cố khoảng hơn 300 triệu đồng, tương đương gần... 40 cây vàng. Tuy nhiên, ông Xuân cũng cho biết, thời gian gần đây, trên các bao lam đã bắt đầu bị mối mọt ăn, một số chi tiết bị rơi rụng, tường, cột cũng đang bị nứt nẻ.

Cán bộ văn hóa xã Thanh Phú Long - Đỗ Văn Xoài cho biết, lẽ ra cụm di tích “Xóm nhà giàu” trước đây có 4 ngôi nhà, nhưng trong quá trình công nhận do vướng mắc một số vấn đề nên sau đó chỉ có 3 ngôi nhà được công nhận. Hiện tại, ngôi nhà cổ ngoài di tích được chủ sửa lại rất nhiều, các kiến trúc cổ nguyên bản gần như không còn nữa. Có thể nói, nhà của ông Xuân là ngôi nhà tương đối còn nguyên vẹn trong cụm nhà cổ. Tại ngôi nhà này hiện vẫn còn lưu giữ nhiều đồ vật từ 100 đến 150 năm tuổi như tủ thờ, các bức hoành phi, bàn ăn, ván, lư đồng và tranh treo tường. Mới đây, chủ nhà cũng có đề nghị thay vì Nhà nước bỏ kinh phí trùng tu, bản thân chủ nhà (ông Xuân) sẽ tự bỏ tiền túi ra để làm việc này”.

“Chúng tôi làm việc này với mong muốn chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp như hiện nay. Mặt khác, bản thân chúng tôi là thế hệ kế thừa cũng mong muốn được góp sức để giữ gìn di sản của tổ tiên” - ông Xuân nói.

Theo Trưởng phòng Xây dựng cơ bản, Ban Quản lý di tích lịch sử-văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch - Nguyễn Phú Tài, hiện nay, toàn tỉnh có 104 di tích, trong đó có 84 di tích cấp tỉnh và 20 di tích cấp quốc gia, bao gồm cụm nhà cổ Thanh Phú Long.

“Chúng tôi đã khảo sát ngôi nhà xuống cấp trong cụm di tích nói trên, với mức độ hư hại hiện tại, ước tính kinh phí sửa chữa trùng tu khoảng 7 tỉ đồng. Hiện nay, do điều kiện kinh phí có hạn, lại đang tập trung đầu tư cho một số di tích khác nên việc trùng tu nhà cổ tại Thanh Phú Long tỉnh đang có chủ trương kêu gọi xã hội hóa. Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai việc trùng tu sớm nhất để người dân yên tâm” - ông Nguyễn Phú Tài cho biết thêm./.

Nguyệt Nhi - Thụy Du

Chia sẻ bài viết
  • Nhà sắp sập rồi. Quyết định nhanh thôi

    Trần Minh Thi - Cách đây 9 năm

  • Mong nhà nước xúc tiến việc trùng tu nhanh

    Nguyễn - Cách đây 8 năm