Tiếng Việt | English

27/12/2021 - 15:01

Nhà đầu tư FDI có nhiều ấn tượng tốt đẹp về môi trường đầu tư ở Long An

Ngoài chọn Long An là điểm đến đầu tư, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đều cảm thấy hài lòng và cho biết sẽ tăng vốn hoạt động trong thời gian tới.

Năm 2021, thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là khu vực TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận, trong đó có Long An. Theo báo cáo đầu tư năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), trong bối cảnh khó khăn nhưng Việt Nam tăng 5 bậc, lần đầu tiên nằm trong top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất thế giới.

Riêng năm 2021, Long An là địa phương dẫn đầu thu hút FDI trong cả nước khi đã tiếp nhận mới 47 dự án FDI với vốn đầu tư cấp mới trên 3,33 tỉ USD. Bên cạnh đó, có 41 dự án đăng ký tăng vốn thêm 126 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.127 dự án với vốn đăng ký 9,42 tỉ USD, có 588 dự án đi vào hoạt động với vốn đầu tư 3,62 tỉ USD.

Khu công nghiệp (KCN) Thuận Đạo (huyện Bến Lức) là một trong những dự án bất động sản đầu tiên khi Dong Tam Group tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp. Sau gần 18 năm hình thành và phát triển, đến nay, KCN Thuận Đạo trở thành một trong những mô hình KCN hoạt động hiệu quả tại địa bàn tỉnh Long An.

Theo Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần KCN Đồng Tâm - Nguyễn Môn, đến nay, KCN Thuận Đạo thu hút được 50 dự án đầu tư thứ cấp, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Trong đó, hơn 90% là vốn đầu tư FDI, điển hình như các tập đoàn kinh tế đa quốc gia: Cargill, Lacuna - Hoa Kỳ; Nutreco - Hà Lan; ChingLuh - Vương quốc Anh; Benkan - Nhật Bản; Oschlers, Quickpack - Cộng hòa Liên bang Đức; Eland - Hàn Quốc; Huafu, Tungtex, Hoca, OKIA - Hong Kong,…

Tính đến nay, các Cty, nhà máy nằm trong KCN Thuận Đạo đã giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động. Tuy năm 2021, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Cty đã thu hút được 8 nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư tại KCN Thuận Đạo mở rộng, trong đó, có 4 dự án FDI.

Công nhân sản xuất tại nhà máy Airspeed

Kizuna là khu nhà xưởng xây sẵn có dịch vụ trong KCN Tân Kim, huyện Cần Giuộc, một trong những huyện trọng điểm về phát triển kinh tế của tỉnh. Với lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp TP.HCM, nằm trên Quốc lộ 50 - trục giao thông quan trọng đang được nâng cấp và mở rộng nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các KCN đến TP.HCM và các tỉnh lân cận, Khu nhà xưởng dịch vụ Kizuna đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, tạo hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương.

Cty TNHH Airspeed Manufacturing Việt Nam (Airspeed) chuyên sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư từ Mỹ và Anh, nhà máy sản xuất tại khu xưởng Kizuna 2, KCN Tân Kim. Phó Tổng Giám đốc Cty - Bùi Quỳnh Trang chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng mà Cty chọn đặt nhà máy tại huyện Cần Giuộc là kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông khá thuận tiện, có tuyến Quốc lộ 50 đi qua, hàng năm được nâng cấp; gần cảng biển và tiếp giáp TP.HCM nên dễ dàng thu hút được người lao động tại địa phương và các vùng lân cận, đặc biệt là lao động chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của Cty từ TP.HCM đến làm việc. Đây là nguồn lực giúp Cty luôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Hiện sản phẩm của Airspeed xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài và cung cấp cho nhiều đối tác của Cty tại Việt Nam. Với hiệu quả trong kinh doanh, Airspeed đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở rộng nhà máy sản xuất, tuyển dụng thêm khoảng 150 lao động, nâng tổng số lao động lên gần 700 người trong năm 2022.

Công nhân sản xuất tại nhà máy Công ty TNHH LeBoucher

Cty TNHH LeBoucher (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) có 100% vốn FDI, chuyên giết mổ, chế biến, pha lóc các loại thịt gà. Bình quân 1 ngày/đêm, Cty sản xuất 36.000 con gà. Thịt gà được bán qua hệ thống các siêu thị, nhà hàng tại TP.HCM và nhiều tỉnh lân cận.

Phó Tổng Giám đốc Cty - ChriStophe Viaud cho biết, trong quá trình hoạt động tại huyện Tân Trụ, Cty có nhiều thuận lợi, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, người lao động sớm được tiêm vắc-xin, nhanh chóng ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, bất kỳ khó khăn nào Cty gặp phải ở thời điểm giãn cách xã hội như vận chuyển hàng hóa, thủ tục hành chính đều sớm được tháo gỡ. Đặc biệt, tuyến giao thông từ Đường tỉnh 833 đến Cty thời gian gần đây được thảm nhựa, giúp Cty vận chuyển hàng hóa dễ dàng, nhanh chóng hơn so với trước đây.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất, giải quyết kịp thời những vấn đề của doanh nghiệp, với phương châm xuyên suốt “luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, chính quyền tỉnh đã xây dựng nên hình ảnh Long An thân thiện, an toàn, môi trường đầu tư cạnh tranh và hiệu quả. Tin rằng thời gian tới, Long An tiếp tục là “mảnh đất lành” để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài và cùng phát triển./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết