Tiếng Việt | English

13/04/2024 - 11:00

Nhàn du Xứ Lức

Bến Lức nghĩa là bến sông có nhiều cây lức mọc hoang. Lức là cây thuốc Nam quý, ngày nay không còn nhiều. Sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua Bến Lức xưa gọi Lật Giang. Dòng sông chia đất làm đôi, những bến nước ven sông là khởi nguồn của xứ.

Sông Vàm Cỏ Đông nhìn từ cầu Bến Lức

Chiều nhàn tênh, tôi cóc cách xe đạp ra bờ sông hóng gió. Cơn gió tháng 4 phơn phớt vị tro than. Gió làm sóng gợn lăn tăn, tiếng sóng hòa với tiếng hát cô ca sĩ trên đài phát thanh huyện, vừa dịu êm, vừa trầm hùng, vừa gợi mở tương lai, vừa ưu hoài ký ức. Con người ta chẳng thể cảm nhận thứ gì đó trọn vẹn với một nội tâm lúc nào cũng xáo động. Tôi lắng lòng để nghe tiếng gọi quê hương.

Nhà tôi gần sông, từ nhà bơi xuồng tầm 10 cây số là tới Vàm Nhựt Tảo, chỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực đốt tàu Pháp ngày xưa. Dòng sông Bến Lức hiền từ tạo bao nhiêu nguồn sống cho gia đình tôi và người dân trong xứ. Cha tôi nhận vàm đăng ngay Khu công nghiệp Nhựt Chánh bây giờ. Cha giở rọ theo con nước, cá về giờ nào thì chị tôi đi bán giờ đó. Ngày xưa chưa có chợ, chị tôi bán dạo lòng vòng quanh xóm. Có khi chị chẳng lấy tiền mà đem cá đổi gạo nấu cơm. Những lúc rảnh rỗi, cha má chặt lá dừa nước rồi bơi xuồng lên vùng Lương Hòa, Lương Bình để bán, sau đó chở khoai mì ngược về đây. Quê tôi có nhiều ông bà cụ về già trở nên “khó nuôi”. Ông sáu tôi những năm cuối đời bệnh nhiều mà chỉ thích ăn cơm với khô sặt. Cha tôi thì mở ra cái “đạo” gọi là “đạo khoai mì”. Sau này tôi mới hiểu, chẳng phải họ khó khăn với con cháu đâu mà chỉ vì những món ăn thời gian khổ đã ngấm vào xương tủy họ rồi. Năng lượng của họ hòa vào đất, vào bưng biền, vào dòng sông, cây cỏ.

Xứ Lức vốn yên bình nhưng chiến tranh xảy ra, quê tôi chìm vào “mưa bom, bão đạn”. Bom cày vào đất, đất sẽ lành. Nhưng bom xoáy vào da thịt thì còn hằn mãi. Ông bà xưa thường đẻ con chục, con bầy nhưng ít nhà ai còn đủ. Đơn cử, ông bà ngoại tôi mất 4 người con. Các cậu, các dì đều mất hồi còn nhỏ xíu, cũng vì đạn lạc, bom bay. Bà nội tôi mất năm 1971, lúc đó vẫn còn mảnh đạn trong lưng. Tôi sống trong thời bình, nghe người lớn kể lại chuyện xưa mà đau thắt!

Quê hương Bến Lức anh hùng đang từng ngày thay đổi (Ảnh: Thanh Nga)

Bến Lức bây giờ thay đổi nhiều. Tôi biết, để có giây phút thảnh thơi nhàn du thế này, bao nhiêu máu xương đã đổ xuống. Bưng biền chỗ tôi hay xúc cá bống ngày xưa bây giờ là khu công nghiệp. Những hàng xà cừ thẳng tắp thay cho lùm bụi, ô rô, mái dầm, rau rán; những nhà máy công nghiệp thay cho cánh đồng lác sình lầy, thay cho mấy đám đất lúa nhiễm phèn mỗi năm thu hoạch chỉ vài ba chục giạ. Năm 2009, nhà bạn tôi ở gần cầu Ba Vồn Lớn (xã Bình Đức), học phổ thông tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cách chừng 15 cây số mà phải ở trọ. Bởi đường về nhà bạn, đò đọc, đò ngang, sình lầy, bụi đỏ. Người lớn cứ nghĩ trên đó còn rừng bụi như xưa. Nhưng bây giờ, từ ngã tư Bình Nhựt đổ lên Quốc lộ N2, mấy chục cây cầu khang trang đã nối nhịp bờ vui. Người dân nơi này khá hơn nhờ cây khoai mì, chanh, mía,… Tôi có dịp làm công trình gần cầu Bà Thiện (xã Bình Đức). Ban đầu, gia chủ chỉ tính tô lại cái nhà để gạch không bị mục nhưng sau đó, ông trúng giá chanh, được giá gừng nên dán gạch lên tới nóc, đổ bêtông sân trước, sân sau tinh tươm, sạch đẹp. Hay khu 135 (thị trấn Bến Lức), năm 2009 còn là cánh đồng sình lầy, chúng tôi đi học trên đường Nguyễn Văn Tiếp bụi đỏ bám đầy áo trắng. Vậy mà nay, nơi đây trở thành chỗ sầm uất nhất huyện.

Xứ Lức giờ trở thành huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Người dân từ nhiều vùng, miền đến làm việc. Trong sự tĩnh lặng của tâm trí, tôi cảm nhận khí thế hừng hực của từng bàn tay lao động xây dựng quê hương. Tiếng súng thay bằng tiếng máy, tiếng khóc than thành tiếng nói, cười.

Trong tiếng ca trầm hùng của ca sĩ, trong tiếng sóng ộp oạp vỗ bờ, tôi nghe tiếng cha ông từ cõi trầm thiêng vọng lại: Dậy mà đi, dậy mà đi/ nắng vàng chói mắt “tinh kỳ rợp sân”./.

Huỳnh Thông

Chia sẻ bài viết