Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thậm chí có trường loại bỏ hoàn toàn phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trong xét tuyển vào trường từ năm 2025.
Nên sớm công bố phương án tuyển sinh
Với phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025 vừa công bố, Trường đại học Nha Trang trở thành trường đầu tiên bỏ phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Thay vào đó, trường xét tuyển theo phương thức kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.
Cụ thể, trường lấy điểm của học sinh ở một số môn nhất định trong ba năm THPT, tùy theo ngành đào tạo và phải đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hằng năm. Với điểm thi đánh giá năng lực, trường tập trung vào khả năng toán (toán, suy luận logic và xử lý số liệu), ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và khoa học (giải quyết vấn đề).
Phương án thay đổi cách sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng được nhiều trường tính tới. Ông Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã phân ban, thí sinh chọn các môn học phù hợp với thế mạnh của mình. Do đó, việc thi bốn môn như vậy sẽ không có tác động nhiều.
Ngoài ra, theo ông Hạ, các trường có thể sẽ thay đổi cách thức xét tuyển. Thay vì sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT của ba môn để xét tuyển, có thể kết hợp điểm một số môn thi tốt nghiệp, môn còn lại sử dụng kết quả học bạ THPT. Cách làm này sẽ công bằng với các thí sinh. Hơn nữa, trọng số các môn thi trong tổng kết quả xét tuyển có thể được tính đến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết dự kiến trường vẫn tuyển sinh theo kết quả ba môn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp. Với việc thi tốt nghiệp THPT bốn môn, thí sinh xét tuyển tổ hợp có cả toán và văn có lợi thế hơn khi có nhiều tổ hợp xét tuyển hơn. Thực tế một ngành thường tuyển nhiều tổ hợp và thí sinh có thể lựa chọn tổ hợp có điểm cao nhất hoặc xét tuyển cùng lúc nhiều tổ hợp vào một ngành.
"Với cách thi mới, các trường đại học nên công bố sớm phương thức xét tuyển để thí sinh chuẩn bị. Bên cạnh đó, các tỉnh thành cũng nên công bố số lượng học sinh đăng ký theo các nhóm môn học để các trường đại học nắm xu hướng và có điều chỉnh phù hợp", ông Nhân đề xuất.
Theo ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, trong các khối truyền thống, khối D là lợi nhất vì hai môn bắt buộc đều có trong tổ hợp xét tuyển, các khối khác chỉ có một môn. "Có những ý kiến làm sao để tăng cơ hội nhưng thực sự điều này cũng có bất cập là thí sinh đăng ký tràn lan, mang tính cầu may, tính chất hướng nghiệp giảm, làm tăng ảo - vấn đề mà các bên liên quan đều không mong muốn", ông Lý nói.
Có lợi cho số đông
Về phương án thi tốt nghiệp bốn môn từ năm 2025, gồm hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hà - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết số thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều và điều này nếu có cũng gây lãng phí.
Về xét tuyển đại học, mỗi thí sinh cùng lúc sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể sẽ gây mất công bằng. Do đó, trước mắt, thí sinh chỉ được thi hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc giới hạn tối đa hai môn tự chọn có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại gồm ba môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và một bài thi tự chọn với ba môn thi thành phần, mọi thí sinh đều có thể kết hợp các môn thi để tạo ra một hoặc cả chục tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Trên cơ sở này, thí sinh chọn một hay một số tổ hợp có điểm cao để xét tuyển. Trong khi đó, từ năm 2025, một số thí sinh chỉ có thể xét tuyển duy nhất một tổ hợp trong khi nhiều thí sinh khác có thể xét tuyển bằng năm, bảy tổ hợp khác nhau.
Theo quy định hiện nay, mỗi tổ hợp phải có môn toán hoặc văn hoặc cả hai môn này. Thí sinh xác định tổ hợp xét tuyển dựa trên thế mạnh của mình. Như vậy, nhóm thí sinh có thế mạnh và xét tuyển các tổ hợp truyền thống như toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh, văn - sử - địa sẽ chỉ có đúng một tổ hợp xét tuyển.
Dĩ nhiên những thí sinh chọn các tổ hợp truyền thống này cũng có thể kết hợp thêm môn văn hoặc toán để tạo ra các tổ hợp xét tuyển khác. Tuy nhiên, một trong hai môn bắt buộc này không phải thế mạnh nên khó cạnh tranh về điểm số.
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 được xây dựng cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - là chương trình mà giai đoạn THPT là giai đoạn hướng nghề nghiệp. Mục đích chính của kỳ thi là đánh giá kết quả giáo dục của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ đại học.
Ông Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
|
Lợi thế khối D
Theo các chuyên gia, với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhóm thí sinh xét tuyển khối D có nhiều tổ hợp xét tuyển hơn. Với hai môn bắt buộc toán, văn cùng với hai môn tự chọn, thí sinh có thể kết hợp tạo thành nhiều tổ hợp khác nhau. Đó là chưa kể việc thí sinh khối D có thể chọn tổ hợp cao điểm nhất hoặc xét tuyển cùng lúc bằng nhiều tổ hợp vào cùng một ngành, cơ hội trúng tuyển về lý thuyết sẽ nhiều hơn so với việc chỉ xét một tổ hợp và không có lựa chọn tổ hợp thay thế./.
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-thay-doi-trong-xet-tuyen-dai-hoc-tu-2025-20231218014414289.htm