Ngay từ sáng sớm, chợ tết quê đã nhộn nhịp, tấp nập người mua bán
Những năm gần đây, do công nghệ số phát triển, trên các trang mạng xã hội có đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà nên rất nhiều người có xu hướng mua hàng online. Thế nhưng, không vì thế mà chợ quê ngày tết trở nên kém nhộn nhịp, bởi đi chợ quê, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Từ dưa hấu, hoa vạn thọ, củ kiệu,... đến cả những nải chuối, lá trầu, buồng cau,...
Thông thường ở những phiên chợ quê thì chỉ họp vào buổi sáng. Nhưng vào dịp tết, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên chợ có thể họp cả ngày, vì vậy không khí tết ở chợ quê càng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn. Phiên chợ ngày tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Cũng chính chợ quê là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn.
Ngay từ tờ mờ sáng, không khí chợ quê đã tấp nập bởi tiếng nói cười, trao đổi mua bán, người dân đi chợ mua sắm những vật dụng, nhu yếu phẩm cho những ngày tết. Hàng hóa được mua bán phần lớn là những sản vật bình dị và hết sức gần gũi, quen thuộc như con gà, con vịt, nải chuối, buồng cau, quả cam, quả bưởi,…
Bà Võ Thị Giang, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giáp tết tôi lại đem gà, vịt ra chợ bán. Đây cũng là dịp để hàng xóm, láng giềng gặp gỡ, hỏi thăm, trò chuyện với nhau, vì vậy, mọi người đều rất vui vẻ”.
Số lượng hoa ở chợ tết quê năm nay giảm khoảng 50% so với những năm trước
Điều khác biệt ở chợ quê là phần lớn sản phẩm đều do người dân làm ra rồi tự mang đi bán, nâng cao thu nhập. Nhiều khi chỉ là vài bó rau thơm hay những nải chuối xanh, quả cau, quả bưởi,... tất cả được người nông dân mang ra chợ, vừa tươi, vừa ngon làm cho người tiêu dùng có một cảm giác rất yên tâm và thoải mái mà giá lại phải chăng hơn.
Và một hình ảnh không thể không bắt gặp khi đến với buổi chợ quê là những lời chào mời khách thân thương cùng phiên trả giá đối với các mặt hàng. Người bán giới thiệu sản phẩm, người mua có thể ưng ý món hàng, nhưng vẫn cầm lên đặt xuống, rồi do dự mặc cả để mua được giá cả phù hợp với túi tiền.
Đây có lẽ là nét đặc trưng riêng biệt chỉ có ở những buổi chợ quê mới có. Vì nét đặc trưng này mà chợ quê luôn có chỗ đứng trong lòng mọi người, bởi sự mộc mạc, chân tình và khi ra chợ sẽ giúp mọi người cảm nhận được sự giao hòa của đất trời, vạn vật khi mùa xuân đang gõ cửa từng nhà.
Người dân chấp hành nghiêm việc mang khẩu trang khi đi chợ
Trong không khí đông vui, tấp nập của phiên chợ tết, người dân vẫn không quên việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang. Bà Nguyễn Thị Nhỏ, ở xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Sáng nay tôi đi chợ tết. Do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên tôi chấp hành nghiêm các nguyên tắc phòng dịch trong khi đi chợ, đặc biệt là luôn mang khẩu trang”.
Có thể thấy, dù cuộc sống hiện đại, nhưng những buổi chợ quê như những thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Chợ tết chính là không gian sinh hoạt, không gian văn hóa chuẩn bị cho một năm mới hứa hẹn những điều mới mẻ, thành công, an khang, thịnh vượng và hạnh phúc./.
Minh Tuệ