Tiếng Việt | English

27/05/2019 - 10:54

Những lao động giỏi, lao động sáng tạo

Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tại Long An được các cấp Công đoàn phát động, thu hút đông đảo công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia. Qua phong trào, tấm gương tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo xuất hiện ngày càng nhiều. Những ý tưởng, sáng kiến của họ trong lao động, sản xuất đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của doanh nghiệp, đơn vị.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Cang trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” năm 2018

Đam mê cải tiến

Đó là anh Phan Văn Tản - Quản lý bộ phận in, Công ty (Cty) TNHH SX-TM Toàn Thắng Plastics (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Bình, đến năm 1995, anh Tản chọn mảnh đất Long An làm nơi lập nghiệp và gắn bó với Cty TNHH SX-TM Toàn Thắng Plastics kể từ đó. Xuất phát điểm là một lao động phổ thông, bằng những nỗ lực, phấn đấu của mình, anh Tản được Cty tạo điều kiện đi học nâng cao tay nghề. Anh Tản chia sẻ: “Nghề in đòi hỏi mỗi người phải khéo léo và không ngừng sáng tạo. 

Anh Phan Văn Tản (bìa trái) là một trong những tấm gương lao động sáng tạo

Chính vì thế, trong quá trình làm việc, tôi luôn tìm tòi để có sáng kiến, cải tiến. Đây cũng là cách để tôi nâng cao tay nghề”. Riêng năm 2018, anh Tản có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Cty ghi nhận và khen thưởng, trong đó có sáng kiến cải tiến công nghệ in cuộn. Trước đây, giàn quấn bao của Cty chỉ có thể hoạt động với công suất 40 cái/phút. Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, anh Tản cải tiến giàn quấn bao, nâng công suất lên 60 cái/phút, giúp tăng 50% công suất sử dụng. Từ đó, tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất cho Cty. Với cải tiến này, anh Tản được Cty đánh giá cao. Không chỉ lao động giỏi, sáng tạo, anh Tản còn tích cực tham gia các phong trào thi đua khác do Cty và Công đoàn phát động.

Đại diện cho lớp CNLĐ trẻ đam mê cải tiến, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Cty là anh Lý Trung Thành - kỹ sư điện, Cty TNHH SX-TM Bảo Bảo (huyện Bến Lức). Vốn đam mê nghề điện từ nhỏ, anh Thành quyết tâm theo học và tốt nghiệp ngành Điện tự động, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Anh Lý Trung Thành luôn đam mê cải tiến trong công việc

“Hơn 7 năm làm việc tại Cty, tôi luôn tâm niệm “Sáng kiến nhỏ hôm nay là thành công lớn của ngày mai” bởi tất cả cải tiến đều là chìa khóa của mọi thành công. Vì vậy, tôi luôn nghiên cứu, tìm tòi nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công việc” - anh Thành cho biết.

Được biết, 3 năm liên tục (2016-2018), anh Thành đều đạt thành tích nhân viên tiêu biểu trong cải tiến và sáng kiến. Anh có hơn 20 sáng kiến cải tiến được công nhận, đặc biệt là sáng kiến cải tiến hệ thống điện toàn Cty, chuyển đổi máy móc, thiết bị hoạt động từ cơ sang tự động hóa. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo anh Thành, nhằm động viên CNLĐ tích cực có sáng kiến, lãnh đạo Cty cũng như Công đoàn luôn quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất, khích lệ CNLĐ kịp thời. Những thành tích mà anh Thành đạt là nhờ Cty tạo môi trường làm việc thuận lợi để anh có điều kiện phát huy năng lực.

Sáng kiến nhỏ, thay đổi lớn

Thời gian qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp Công đoàn phát động thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Qua phong trào này, xuất hiện ngày càng nhiều ý tưởng, sáng kiến của CNLĐ trong lao động, sản xuất, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Anh Phạm Thanh Nhẫn hoàn thành xuất sắc nhiều hạng mục cải tiến máy móc, thiết bị giúp tăng năng suất

Anh Phạm Thanh Nhẫn - Phó bộ phận kỹ thuật bảo trì sản xuất, Cty Cổ phần SX-TM Sáng Việt (huyện Bến Lức), là một điển hình. Xuất phát từ thực tế công việc và tìm tòi qua Internet, anh Nhẫn hoàn thành xuất sắc nhiều hạng mục cải tiến máy móc, thiết bị làm tăng năng suất. Tiêu biểu là cải tiến và đưa vào hoạt động thành công máy cắt dập bass đèn downlight tự động (chế từ máy dập 25 không còn sử dụng), làm giảm chi phí, nâng cao sản lượng, rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm. “Trước đây, Cty thực hiện thủ công với chi phí sản xuất 252 triệu đồng/CN/năm. Với cải tiến của tôi, chi phí sản xuất khi thực hiện bằng máy cắt dập tự động chỉ 40 triệu đồng/năm” - anh Nhẫn nói.

Tham gia tốt các hoạt động Công đoàn và có nhiều đề xuất cải tiến có giá trị thực tiễn là nhận xét của lãnh đạo Cty TNHH SX&TM-DV Cường Vinh (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) về anh Đặng Bình An - nhân viên kỹ thuật. Trong đó, cải tiến hệ thống xử lý khí thải cải thiện môi trường làm việc cho CN nhà máy mang lại giá trị thực tiễn cao.

Anh Đặng Bình An (bìa trái) có nhiều  đề xuất cải tiến có giá trị thực tiễn

Anh Đặng Bình An chia sẻ: “Xuất phát từ việc máy đúc nắp motor mỗi khi hoạt động nhiệt độ cao đốt cháy dầu bôi trơn khuôn, làm bốc khói, tỏa ra khắp nhà xưởng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và những CN đang làm việc. Vì vậy, tôi đề xuất thiết kế hệ thống hút khói ra ngoài xử lý, được Hội đồng cải tiến Cty chấp nhận, cấp kinh phí và thực hiện thành công. Từ đó, nhà xưởng không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, môi trường thoáng mát, sạch sẽ, CN làm việc phấn khởi hơn”.

Là Trưởng chuyền may mặc, anh Nguyễn Hoàng Trọng, Cty Cổ phần May Xuất khẩu Long An (TP.Tân An), luôn gương mẫu, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo. Trong quá trình lao động, anh Trọng nghiên cứu tìm ra phương pháp ưu việt nhất để tạo sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao, tiết kiệm năng lượng và thời gian tiêu hao cho sản phẩm. Năm 2018, anh đưa ra 1 sáng kiến cải tiến kỹ thuật về công đoạn “May lược nẹp rời vào dây kéo mã hàng MA91K300RN (Makalot)”.

Anh Nguyễn Hoàng Trọng (bìa phải) luôn gương mẫu, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo

Anh Trọng bộc bạch: “Theo cách may thông thường thì vải nẹp dây kéo được PX cắt theo sơ đồ thành từng miếng, khi may phải lược nẹp trước, sau đó bọc khóa đầu nẹp và dán cử để may lược vào dây kéo. Cách làm này không hiệu quả vì nẹp sau khi may lược bị lớn, nhỏ không đều, phải sửa mất nhiều thời gian. Với cải tiến của tôi thì sản phẩm may ra đẹp, nhanh, to bản đều, êm, không mất thời gian sửa, năng suất tăng gấp 2 lần (năng suất trước cải tiến: 500 sản phẩm/người).

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí thông tin: “Năm 2019, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục được triển khai, tổ chức với quy mô rộng lớn trong CNVCLĐ gắn với khẩu hiệu hành động của Chính phủ “Tăng cường đánh giá quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Phong trào được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng giai cấp CN và tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh”.

Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”

Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp Công đoàn xem là mũi nhọn đột phá, khơi dậy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó, hăng say của CNLĐ trong lao động, sản xuất và công tác. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không ngừng mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh./.

Năm 2018, có 6.983 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đăng ký với giá trị làm lợi 890 tỉ đồng; 622 công trình, sản phẩm đăng ký chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp với tổng giá trị đầu tư trên 111 tỉ đồng; có 5 công nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen “Lao động sáng tạo” và 400 công nhân, lao động giỏi được UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích