Trải qua bao khó khăn, vất vả, cô Nguyễn Thị Tám (52 tuổi) - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Lợi, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vẫn bám trường, bám lớp. Với cô Tám, nghề giáo và trẻ là “tình yêu lớn” của đời mình.
Cô Nguyễn Thị Tám vượt qua mọi khó khăn để bám trường, bám lớp
Một thời gian khó
Giai đoạn kinh tế còn khó khăn, vẫn còn quan niệm lạc hậu - con gái chỉ cần học để biết đọc, biết viết rồi nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình, thì cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Tám đã ước mơ trở thành cô giáo. Dù gia đình khó khăn nhưng cô không từ bỏ ước mơ và luôn nỗ lực học tập. Với ý chí và sự quyết tâm của mình, cô Tám đã hiện thực hóa ước mơ và trở thành cô giáo mầm non.
Năm 1984, cô Tám được phân công về Trường Mẫu giáo Lương Bình (xã Lương Bình, huyện Bến Lức). Thời điểm ấy, điều kiện dạy và học rất khó khăn. Cô Tám dạy học ở một điểm trường nhỏ, chỉ vỏn vẹn 1 phòng học là căn nhà lá, vách chỉ cao hơn 1m, phía trên là khoảng trống. Đồ dùng dạy học hạn chế, không có nhiều không gian cho trẻ vui chơi, còn trẻ thì lem luốc. Nhưng chính những khó khăn ấy đã rèn luyện cô Tám càng yêu nghề, mến trẻ hơn. Cô tự làm đồ dùng dạy học và luôn chăm sóc, dạy dỗ trẻ như người mẹ để bù đắp những thiệt thòi của các em.
Cô Tám tâm sự: “Ngày ấy, trước lớp lúc nào cũng có khạp nước đầy để rửa chân cho trẻ khi mới đến lớp. Có em còn không có dép mang, chân đầy bùn đất. Dù học lứa tuổi mẫu giáo nhưng đa số các em đều tự đi bộ đến lớp. Tôi rất thương các em!”.
Không riêng trẻ, con đường từ nhà đến lớp của cô Tám cũng không kém vất vả so với học trò của mình. Nhà cô cách lớp học 26km. Hàng ngày, cô đạp xe đi làm, đến điểm chính, tiếp tục đi bộ 3km vào điểm phụ vì không có đường chạy xe đạp.
Nhớ lại một kỷ niệm, cô Tám kể: “Con đường từ nhà đến lớp như một cuộc hành trình dài mà ngày ngày tôi phải đối mặt. Trên đoạn đường đi bộ, tôi phải qua 7 cây cầu khỉ. Gặp những cây cầu khó đi, bị hư nặng, tôi phải bò qua. Có một lần đang đi thì cầu bị gãy, tôi té sông, may nhờ có người cứu”.
Cô Tám tiếp tục kể: “Bám trường, bám lớp khó khăn, vất vả là vậy nhưng lương giáo viên (GV) lại rất thấp. Nhiều GV bỏ việc, đi làm công nhân cho nhà máy dệt. Lương của tôi thời điểm ấy chỉ mấy chục đồng. Mỗi lần muốn may áo dài là phải để dành mấy tháng mới đủ tiền mua vải, rồi lại phải để dành mấy tháng nữa mới đủ tiền trả công may. Vất vả nhưng tôi vẫn không sợ, kiên trì bám trường, bám lớp. Bởi, tôi vừa thương học trò, vừa quý tình cảm của phụ huynh - những người dân quê chân chất, thật thà, có con cá, củ khoai là họ đều dành phần cho cô giáo”.
Người cán bộ gần gũi
Trải qua bao khó khăn, vất vả, đôi lần được phân công chuyển công tác từ trường này sang trường khác trên địa bàn huyện, ở đâu, cô Tám cũng luôn nỗ lực làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Năm 1999, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Lợi. Với vai trò mới, cương vị mới, cô không ngừng tự trau dồi, học hỏi kinh nghiệm để góp phần quản lý, dẫn dắt đội ngũ GV trẻ ngày càng tiến bộ.
Cô Tám sắp xếp thời gian hợp lý, tham gia dự giờ GV thường xuyên. Từ đó, cô đưa ra những góp ý chân thành, giúp mỗi GV phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế. Đặc biệt, những GV còn yếu về chuyên môn, cô dành nhiều thời gian để dự giờ nhiều hơn và tạo điều kiện cho GV tham gia dự giờ để học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp giỏi.
Cô Tám cho biết: “Tuy dự giờ nhiều nhưng tôi không tạo áp lực cho GV. Những lời góp ý luôn nhẹ nhàng và chân tình để GV hiểu và làm theo. Ngoài ra, sau các chủ đề dạy học của các lớp, tôi trực tiếp khảo sát trẻ để có những đánh giá chính xác về năng lực GV và sự tiến bộ của trẻ. Tôi cũng tham gia sinh hoạt chuyên môn của các tổ để góp ý và chia sẻ kinh nghiệm”.
Cô Nguyễn Thị Tám luôn chú trọng cách góp ý chân thành và nhẹ nhàng để giáo viên hiểu và làm theo
Ngoài những việc làm trên, cô Tám còn cùng Ban Giám hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho GV tự học nâng cao trình độ. Theo đó, những GV đi học trong hè sẽ được phân công trực vào cuối tuần hoặc trực kèm GV không đi học để được choàng gánh. GV nào khó khăn, cô Tám tìm giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ. Cô cùng tham gia tổng vệ sinh toàn trường với tất cả GV 1 tháng/lần. Nhờ hoạt động này, GV và Ban Giám hiệu trở nên gần gũi hơn, giúp tập thể GV trường thêm đoàn kết.
Không chỉ chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho GV, cô Tám cũng tự học, tự nghiên cứu hàng ngày thông qua sách, báo chí, Internet,... đặc biệt, cô cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin. Cô Tám còn nghiên cứu sách mới, giáo án điện tử mới để chia sẻ kinh nghiệm cho GV.
Nhờ gắn bó với nghề bằng cả cái tâm và luôn yêu nghề, mến trẻ, cô Tám có nhiều thành tích nổi bật, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và đặc biệt năm 2017, cô Tám vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú./.
(còn tiếp)
Bài 2: Người mẹ thứ hai của học sinh
Ngọc Thạch