Năng động, nhiệt tình với công việc
Với sự năng động, nhiệt tình trong công việc, chị Nguyễn Thị Linh Hương - viên chức DS - KHHGĐ xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An luôn đi đầu trong phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DS - KHHGĐ. Xác định công tác DS - sức khỏe sinh sản (SKSS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc duy trì, nâng chất xã văn hóa, nông thôn mới ở địa phương, chị Hương luôn sâu sát địa bàn quản lý, nắm rõ tổng số hộ, nhân khẩu, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ.
Chị Nguyễn Thị Linh Hương tuyên truyền về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ
Chị Hương cho biết: “Tôi bắt đầu tham gia công tác DS - SKSS từ năm 2003. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác DS - SKSS nên tôi chú trọng công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân. Trước hết, tôi vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền các mô hình nâng cao chất lượng DS như sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;...”.
Bên cạnh đó, chị Hương còn làm tốt công tác tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền đề ra nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác DS - SKSS phù hợp tình hình thực tế của địa phương; tham mưu Ban DS và phát triển xã xây dựng nhiều kế hoạch và tổ chức triển khai, thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, kế hoạch về DS - SKSS - KHHGĐ,... rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
Nhờ đó, các chỉ tiêu về DS-SKSS của xã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như giảm sinh từ 12,15‰ vào năm 2016 xuống còn 11,58‰ vào năm 2021, duy trì mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên từ năm 2012 đến nay. Số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt trên 82,2%. Các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS - KHHGĐ đều đạt kết quả cao, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa, giảm tỷ lệ phát triển DS xuống còn 0,55%.
Ngoài ra, các chỉ tiêu về sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân hàng năm đều đạt chỉ tiêu huyện giao. 18 năm gắn bó với công tác DS - SKSS, chị Hương vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích tốt 10 năm thực hiện Pháp lệnh DS và nhiều giấy khen của Sở Y tế, huyện, xã vì có đóng góp tích cực trong công tác DS.
Nhiều đóng góp tích cực
Dù chỉ gắn bó với công tác DS từ năm 2012 đến nay nhưng ông Bùi Phước Khải - CTV DS, Gia đình và Trẻ em khu phố 4, phường 2, TP.Tân An, có xấp xỉ 35 năm làm công tác xã hội tại địa phương nên nắm địa bàn rất rõ. Hiện ông Khải quản lý 117 hộ với 509 nhân khẩu, trong đó, phụ nữ độ tuổi từ 15 - 49 là 111 người, số phụ nữ trong độ tuổi này có gia đình là 53 người.
Dù tuổi đã ngoài “thất thập” nhưng ông Bùi Phước Khải vẫn gắn bó với công tác dân số
Thời gian qua, ông Khải thường xuyên vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ và sinh đủ 2 con. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ông Khải nỗ lực lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Theo đó, ông bám sát địa bàn; quản lý tốt các chỉ số biến động DS, số liệu sàng lọc trước sinh và sơ sinh của thai phụ; vận động phụ nữ tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung cũng như vận động các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai; tuyên truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục và không lựa chọn giới tính thai nhi;...
Ông Khải chia sẻ: “Trong tuyên truyền, tôi luôn tâm niệm phải làm việc bằng cái tâm và khéo léo, tế nhị để các cặp vợ chồng hiểu về lợi ích và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Là CTV nam, việc tiếp xúc, vận động phụ nữ cũng gặp nhiều trở ngại, do đó, tôi nắm bắt tình hình địa bàn cũng như vận động, tuyên truyền qua người thân trong gia đình, đặc biệt là những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ của những đối tượng cần tuyên truyền, đặc biệt chú trọng những gia đình sinh con một bề, các hộ khá giả có mong muốn sinh thêm con, sinh con trai để “nối dõi tông đường”, từng bước giúp họ thay đổi quan niệm, tư tưởng lạc hậu, cổ hủ về trọng nam, khinh nữ”.
Đến nay, tuổi đã ngoài “thất thập”, các con có đời sống ổn định nhưng ông vẫn nhiệt huyết với các hoạt động xã hội, đặc biệt là gắn bó với công tác DS. Từ khi ông làm CTV đến nay, địa bàn ông quản lý không có người sinh con thứ 3 trở lên. Việc xây dựng mô hình gia đình ít con góp phần giúp chất lượng DS và đời sống người dân tại địa phương ngày càng cải thiện và nâng cao.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có 3.503 CTV và 173 viên chức DS-KHHGĐ. Số tiền phụ cấp còn khiêm tốn so với thời gian, công sức bỏ ra nhưng họ vẫn bám sát địa bàn, kiên trì với nhiệm vụ được phân công. Họ chính là những người “tiếp sức” cho ngành DS, từng bước thực hiện mục tiêu DS và phát triển, góp phần đưa chính sách DS vào cuộc sống./.
Thu Ngân - Thùy Minh