Tiếng Việt | English

05/10/2015 - 16:30

Những người làm đẹp làng quê

Về Tân Trụ, tỉnh Long An đi vào ngõ ấp, nhiều người ngỡ ngàng khi đường sá ở đây hầu hết đều được đal hóa. Những con đường uốn lượn quanh các ruộng lúa với những hàng cau tỏa mát nổi bật trên cánh đồng xanh. Bức tranh làng quê tươi xanh, xinh đẹp được vẽ nên bởi những người dân chân chất ở nơi đây...


Đường ông Đồ Nghị ở xã Đức Tân - một nét đẹp làng quê

1. Bên tách trà cùng trò chuyện thân tình, Chủ tịch UBND xã Đức Tân - Nguyễn Thanh Hải nói đùa mà rất thật: “Mỗi lần đi họp ở huyện, tỉnh, khi giới thiệu ở xã Đức Tân, nhiều người hỏi có phải con đường có hàng cau 2 bên thật đẹp và mát không? Chẳng biết từ bao giờ, tuyến đường ông Đồ Nghị ở ấp Tân Thạnh lại trở thành “thương hiệu” của xã Đức Tân”.

Con đường dài 2,2km này được đal hóa từ năm 2008. Không có thầu xây dựng cũng chẳng cần thợ xây, chính người dân trong ấp tự thiết kế, thi công và hoàn chỉnh con đường. Lúc này, lớp bêtông đường chỉ dày 1 tấc và rộng 2,2m; đến năm 2013, người dân lại đóng góp nâng cấp đường ông Đồ Nghị dày 2 tấc và rộng 3m. “Vì người dân tự làm, tự giám sát nên con đường rất chắc chắn, đã nhiều năm sử dụng nhưng chưa có đoạn nào bị hư hỏng, chi phí lại thấp. Đây cũng là tuyến đường đal đầu tiên của huyện Tân Trụ khi có chủ trương cứng hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ khi có tuyến đường, khoảng cách từ Đức Tân về thị trấn Tân Trụ được rút ngắn, nông dân sản xuất nông nghiệp được thông thương và học sinh đến trường thuận lợi hơn trước,...” - Trưởng ấp Tân Thạnh - Võ Văn Thành chia sẻ.

Tổng kinh phí thực hiện con đường qua 2 giai đoạn hơn 1,5 tỉ đồng, trong đó sức dân đóng góp 51%. Trong số đó, đại gia đình anh Huỳnh Phát Tôn đã đóng góp khá nhiều.

Khi con đường hoàn thành, được huyện cho cây xanh, Đoàn xã cùng người dân đã trồng 200 cây cau dọc tuyến đường. Mỗi mùa làm nông, người dân lại bồi đất, tưới nước để 2 hàng cau phát triển tốt, tỏa bóng mát cho tuyến đường như hiện nay. Ngoài ra, ở 2 đầu tuyến đường còn có rào chắn không cho xe tải chạy vào làm đường dễ xuống cấp.

Theo Chủ tịch UBND xã, “Xã Đức Tân có 21km đường ấp nhưng hiện nay đã đal hóa 18km với sức đóng góp hơn 3 tỉ đồng từ người dân. Chính họ là những người làm đẹp làng quê như hôm nay!”.

2. Còn ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, cứ vào 18 giờ mỗi ngày là các ngõ ở ấp Bình Điện lại sáng rực ánh đèn an ninh, trật tự (ANTT). Những con đường quê này đã góp phần giảm bớt các vụ trộm cắp ở địa phương.

Cổng ANTT và đèn đường giao thông nông thôn ở ấp Bình Điện đều do người dân tự đóng góp thực hiện. Hiện nay, ấp mắc 210 bóng đèn compact và mỗi tháng người dân tự góp tiền để đóng tiền điện. Trung bình 1 năm, 1 hộ dân đóng 150.000 đồng tiền điện. Cuộc sống ở quê, với nhiều gia đình, việc đóng góp tiền điện, tiền làm đường, mắc bóng đèn không phải dễ nhưng với mong muốn làm đẹp làng quê, tất cả đều chung sức, đồng lòng thực hiện.

Theo Bí thư Chi bộ ấp Bình Điện - Nguyễn Văn Quyên, riêng các cổng ANTT thì người dân góp trung bình từ 1,5-2 triệu đồng/cổng. Còn chuyện làm đường, chủ yếu góp đất và ngày công. Riêng ông Quyên, khi đal hóa đường giao thông nông thôn ngang qua phần đất nhà, ông tự nguyện hiến 100m2. Đó là vai trò gương mẫu, đi đầu của Bí thư Chi bộ ấp góp phần làm đẹp làng quê.

Hiện tại, tất cả 8km đường giao thông nông thôn ở ấp Bình Điện đều được đal hóa. Chính sự tự nguyện, ý thức cao của người dân Bình Điện cũng như các ấp khác đã góp phần đal hóa các tuyến đường ở xã Bình Tịnh đạt hơn 90%.

Làng quê Tân Trụ hôm nay đang khoác chiếc áo mới. Bằng việc hiến đất làm đường, góp tiền làm cổng ấp, cổng ANTT hay mắc đèn chiếu sáng,... người dân đã vẽ nên bức tranh quê thanh bình và no ấm./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết