Tiếng Việt | English

07/07/2015 - 09:50

Tân Trụ: Sức bật từ sự đồng thuận

Những năm qua, huyện Tân Trụ (Long An) luôn được quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, trường học,... góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. Cùng những điều kiện thuận lợi trên, Đảng bộ huyện đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cần cù của người dân vào lao động sản xuất, tạo nên hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Đến nay, đời sống người dân được nâng lên với thu nhập từ khoảng 28-30 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là tín hiệu vui từ những chủ trương đúng đắn, nhất là các chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.

Tân Trụ cơ giới hóa nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng

Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, chất lượng cao

Hiện nay, huyện có 8462,44ha đất sản xuất nông nghiệp, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững chất lượng cao, hằng năm, giá trị sản xuất trên các lĩnh vực liên tục tăng. Năm 2015, sản lượng ước đạt 105.000 tấn, năng suất bình quân 57,3 tạ/ha. Thời gian qua, Tân Trụ đã đầu tư cho sản xuất nông nghiệp bằng những phương thức tổ chức sản xuất tiến bộ, đáp ứng yêu cầu về quy mô sản xuất mang tính hàng hóa, tập trung, chuyên canh cao. Các phương thức tổ chức sản xuất thích hợp là trang trại, gia trại, có quy mô lớn hoặc các nông hộ được tổ chức liên kết sản xuất, nhằm hình thành các vùng chuyên canh, tập trung.

Phó Chủ tịch UBND huyện - Trần Văn Đốc cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp, Tân Trụ đã có kế hoạch rà soát, đề nghị bổ sung cho phù hợp với thực tế sản xuất như quy hoạch trang trại chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, quy hoạch mô hình điểm trồng cây thanh long gắn với quy hoạch nông thôn mới phù hợp với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2015. Ngoài ra, huyện cũng ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng nhằm thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và thúc đẩy sản xuất theo quy hoạch mang tính tập trung hàng hóa lớn, chất lượng cao và bền vững. Lãnh đạo huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án chế biến và bảo quản sau thu hoạch các mặt hàng nông sản, các dịch vụ sản xuất nông nghiệp,...”.

Ông Nguyễn Văn Bình, nông dân ấp Bình An, xã Bình Lãng chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi, vì trong thời gian qua, chính quyền luôn quan tâm, hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất. Từ những cuộc hội thảo chuyên đề, kết nối 4 nhà,... đã mở ra những cơ hội mới cho nông dân. Bởi nếu nông dân sản xuất có đầu ra nông sản tiêu thụ ổn định thì mới yên tâm, thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng khá hơn”.

Mục tiêu đến năm 2020, Tân Trụ sẽ có tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân từ 6-6,5%. Tổng đàn bò lên đến 4.500 con, trong đó có từ 200-300 con bò sữa, đàn gia cầm khoảng 2 triệu con, tổng sản lượng lúa sẽ đạt khoảng 95.000 tấn. Diện tích cây thanh long khoảng 200ha, cây chanh 100ha và rau màu chuyên canh 55ha; đặc biệt đến năm 2020, Tân Trụ sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao cần được phát triển có định hướng và được tổ chức sản xuất với những phương thức phù hợp, bảo đảm tính hợp lý và hiệu quả của quy mô sản xuất, năng lực đầu tư, đồng thời phát huy tính năng động trong quá trình phát triển.

Đường sá được đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm - giảm nghèo

Nhựt Ninh là một trong những địa phương điển hình về triển khai thực hiện Chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giải quyết việc làm - giảm nghèo (GQVL-GN) của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015. Các giải pháp về GQVL-GN được cấp ủy Đảng tổ chức triển khai thực hiện khá tốt, từ đó góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới.

Bí thư Đảng ủy xã - Lê Văn Trường cho biết, từ năm 2011-2015, xã đã tranh thủ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, các tổ chức kinh tế, mạnh thường quân giải ngân được 529 triệu đồng cho 28 lượt người vay. Đặc biệt, từ nguồn vốn GQVL, xã giải ngân trên 4,4 tỉ đồng cho 233 lượt hộ người nghèo vay, phát triển kinh tế hộ, cải thiện đời sống người dân, nâng thu nhập bình quân đầu người 13 triệu đồng/người/năm.

Bà Võ Thị Bạch Ngọc, ngụ ấp Thuận Lợi là gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo của xã. Từ nguồn vốn 50 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, bà đã đầu tư hơn 2 công đất nuôi tôm và vịt mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ vậy, gia đình bà thoát nghèo, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học.

Gần 4 năm qua, toàn huyện đã giới thiệu việc làm cho 19.506 lượt lao động (chỉ tiêu 10.000), trong đó 13.849 lượt lao động có việc làm ổn định. Hằng năm, tranh thủ từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện, vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, các tổ chức kinh tế, mạnh thường quân, đã giải ngân trên 44 tỉ đồng cho 3.115 lượt hộ nghèo từ nguồn vốn hộ nghèo. Đặc biệt, huyện đã có chủ trương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo quy hoạch, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; củng cố và phát triển tổ kinh tế hợp tác; xây dựng các mô hình phát triển ngành nghề ở nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 còn 2,75% (ước tính cuối năm 2015 còn 2,14%).

Đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH - “lực đẩy” phát triển nông thôn mới

Về Tân Trụ hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của miền quê yên ả với những con đường liên ấp, liên xã được trải bêtông bằng phẳng, rộng rãi. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, những ngôi nhà ngói mới mọc lên, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, gia công đồ gỗ, chế biến nông-lâm sản, dịch vụ vận tải,... hoạt động tấp nập, hối hả. Làng quê anh hùng đang thay đổi từng ngày trên bước đường xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sớm nhận thức Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM là điều kiện tiên quyết cho phát triển KT-XH, huyện đã coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, làm cho người dân thấy rõ và thật sự khẳng định được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng”. Nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã huy động nguồn vốn trên 1.369 tỉ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp trên 276 tỉ đồng) đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Từ nguồn vốn này, huyện đã thi công láng nhựa 7 tuyến hương lộ với tổng chiều dài 13,86km, với tổng kinh phí trên 61 tỉ đồng. Các xã, thị trấn đã tổ chức thi công được 189 công trình bêtông với chiều dài 95,95km, tổng số tiền gần 46 tỉ đồng. Đặc biệt, trong 5 năm qua, huyện đã vận động nhân dân hiến 186.341m2 đất với trị giá quy đổi 59,5 tỉ đồng để thực hiện đầu tư nâng cấp đường trục xã, liên xã, đường ấp, xóm và đường trục chính nội đồng,...

Trở lại xã Bình Lãng sau 1 tháng làm lễ đón nhận đạt chuẩn NTM, niềm vui sướng vẫn còn hiện rõ trên gương mặt của người dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Hiền, người dân ở xã phấn khởi: “Lúc trước, đường sá đi lại khó khăn lắm! Nhờ Nhà nước đầu tư cùng với sự tham gia đóng góp của người dân mà hiện nay, các tuyến đường giao thông nông thôn liên xóm, ấp đều được trải bêtông, xóa cầu tạm ở nông thôn, phục vụ tốt lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân”.

Trao đổi cùng chúng tôi, Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Thanh Hải khẳng định: “Trong suốt nhiệm kỳ qua, Tân Trụ đã cố gắng để đạt những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư cho thủy lợi, giáo dục, xây dựng NTM,... Tất cả nhờ đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên được trẻ hóa, chuẩn hóa, năng động cùng nhau bắt tay vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như góp phần vào thực hiện nghị quyết chung của tỉnh”.

Có thể khẳng định, sự thay đổi của Tân Trụ ngày nay, tất cả nhờ huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt là địa phương biết phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; đồng thời, đề cao vai trò chủ thể của mỗi người dân, xem dân là gốc. Từ kết quả này mới thấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong”./.

Song Hồng-Hữu Bằng

Chia sẻ bài viết