Tiếng Việt | English

07/01/2019 - 19:40

Những nông dân dám nghĩ, dám làm

Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Võ Văn Chất mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi ếch và cá

Ông Võ Văn Chất mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi ếch và cá

1. Từ hai bàn tay trắng, nhưng với tinh thần ham học hỏi, siêng năng, cần cù, ông Võ Văn Chất, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, đã vươn lên thành hộ khá, giàu ở địa phương. Ông Chất tâm sự: “Năm 1981, tôi lập gia đình. Vì hai bên cha mẹ đều nghèo nên khi ra riêng, vợ chồng tôi phải làm đủ nghề để sống. Sau thời gian chăm chỉ làm việc, vợ chồng tôi mua được gần 4ha đất trồng lúa, 1 máy gặt đập liên hợp và 1 máy cày, góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động nông thôn với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng”.

Vài năm trở lại đây, thấy việc trồng lúa không còn hiệu quả như trước do sâu, bệnh ngày càng nhiều và chi phí sản xuất tăng nên ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái kết hợp nuôi ếch và cá. Ông Chất cho biết: “Tôi đã chuyển hơn 1ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, chanh, sa pô,... Những loại cây này bước đầu cho thu hoạch có lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa. Đặc biệt, tôi còn nuôi ếch và cá. Bình quân 2,5 tháng, tôi thu hoạch ếch và cá 1 lần, sau khi trừ chi phí, còn lời trên 10 triệu đồng”.

Với sự kiên trì, tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Chất vinh dự được các cấp tặng bằng khen, giấy khen trong phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Ngoài ra, ông còn tích cực đóng góp cho các hoạt động từ thiện - xã hội ở địa phương và hiến hơn 400m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành - Bùi Văn Nhân cho biết: “Ngoài tích cực đóng góp cho địa phương, gia đình ông Chất còn là gia đình văn hóa tiêu biểu và nuôi con ăn học thành tài”.

2. Tốt nghiệp cao đẳng ngành Công nghệ môi trường và đang có việc làm ổn định tại TP.HCM với mức lương cao, nhưng anh Trần Văn Thắng, ngụ ấp Cà Nhíp, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, mạnh dạn bỏ phố về quê làm nông nghiệp.

Anh Thắng tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi luôn nung nấu ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ đó, tôi tìm tòi, học hỏi các mô hình sản xuất ở nhiều địa phương. Nhận thấy mô hình chăn nuôi gà sạch phù hợp, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi, đồng thời áp dụng kiến thức đã học vào việc xử lý nước thải, tránh ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tôi còn trồng 3ha lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi có lãi gần 200 triệu đồng”.

Anh Trần Văn Thắng là thanh niên nghiêm túc và tử tế

Không chỉ dám nghĩ, dám làm, anh Thắng còn nghiêm túc trong công việc. Sau khi về quê lập nghiệp, thấy một số thanh niên ở địa phương không có việc làm ổn định nên anh đi học nghề cắt tóc rồi dạy lại cho 15 thanh niên trên địa bàn nhằm giúp họ có việc làm ổn định. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Nguyễn Văn Tươi cho biết: “Anh Thắng không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn là Bí thư Chi đoàn ấp năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào. Có thể nói, anh Thắng là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên noi theo trên con đường lập thân, lập nghiệp”.

Ông Chất, anh Thắng là những nông dân dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng, xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết