Tiếng Việt | English

08/08/2018 - 06:35

Những tấm gương cựu chiến binh giữa đời thường

Trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh Long An không ngại khó khăn, vất vả, cố gắng chăm lo phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy các con học hành đến nơi, đến chốn.

Gương mẫu trên mọi lĩnh vực

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, thời niên thiếu, ông Trương Thành Út (thương binh 4/4, ấp 3, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) theo cha và các anh tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cha và 4 người anh hy sinh, ông thì bị thương trong trận chống càn của địch.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông trở về quê hương sinh sống, lập gia đình năm 1976 và có 3 người con. Mỗi ngày, ông bơi xuồng, có khi đi bộ đến xã Tân Đông làm việc (xã đội trưởng). Năm 1989, ông được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Tân Tây và Chủ tịch Hội CCB xã Tân Tây (năm 1997). Năm 2012, ông về hưu và tiếp tục làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 3. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vừa tham gia công tác xã hội, ông vừa khai hoang đất (2ha) và trồng khoai mì. Vợ ông đan đệm bàng để bán, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm nuôi các con ăn học thành tài.

Ông Út chia sẻ: “Trước đây, do chiến tranh nên chúng tôi không có điều kiện học hành đàng hoàng. Bây giờ có điều kiện thì phải lo cho các con học hành đến nơi, đến chốn để có việc làm ổn định, góp sức xây dựng quê hương”.

Hiểu được sự kỳ vọng của cha mẹ nên 3 người con của ông đều chăm ngoan, học giỏi. Một người hiện công tác tại Công an huyện Thạnh Hóa, một người là Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tây và một người kinh doanh tại chợ Tân Tây.

Chủ tịch Hội CCB xã Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng nhận xét: “Gia đình ông Út rất gần gũi với bà con hàng xóm, quan tâm giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, không ngừng vươn lên trong học tập, công tác. Gia đình ông còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ông xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo”.

Vượt khó vươn lên

Về với cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Lê Văn Duẩn (thương binh 3/4, ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu trong các phong trào ở địa phương.

Cựu chiến binh Lê Văn Duẩn luôn vượt khó vươn lên trong cuộc sống

Cựu chiến binh Lê Văn Duẩn luôn vượt khó vươn lên trong cuộc sống

16 tuổi, chàng thiếu niên Lê Văn Duẩn hăng hái lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông làm du kích mật tại Đồn A, xã Thuận Bình. Năm 1972, trong một trận chống càn của địch, 2 đồng đội hy sinh, còn ông bị thương, mất 56% sức lao động. Ông Duẩn cho biết: “Năm 1980, tôi lập gia đình. Những năm đầu lập nghiệp, vợ chồng tôi phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Tài sản khi ra riêng là 1ha khoai mỡ lúc được mùa thì rớt giá, khi được giá lại mất mùa. Khi 3 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng khó khăn hơn. Vợ chồng tôi phải đi làm thuê mới đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình”.

Không nản lòng trước khó khăn, vất vả, ông quyết tâm vươn lên bằng chính ý chí, nghị lực của mình. Qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và đọc báo, xem đài, ông áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ cần cù lao động, ông tích góp tiền xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con học hành đến nơi, đến chốn. Hiện nay, 3 người con (2 gái, 1 trai) của ông đều có cuộc sống ổn định. Một người công tác tại Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa, 2 người còn lại đều tốt nghiệp Đại học Kinh tế và có việc làm ổn định.

Ngoài ra, gia đình ông còn mua thêm đất sản xuất. Đến nay, ông có 1ha trồng lúa, 2ha khoai mỡ và 3ha tràm. Hàng năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông có lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những CCB hôm nay luôn vươn lên trong cuộc sống đời thường, quyết tâm làm giàu cho gia đình, xã hội, góp phần vào sự phát triển KT-XH ở địa phương./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết