Các thành viên trong tổ chuẩn bị đồ ăn sáng
Khi biết thông tin từ ngày 01/4/2020, Long An nói riêng, cả nước nói chung thực hiện biện pháp cách ly xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhóm bạn Lâm Minh Hùng trên đường Cách Mạng Tháng Tám liền nảy ra ý định giúp đỡ người nghèo, nhất là người bán vé số vượt qua khó khăn khi phải tạm dừng bán. Nghĩ là làm, ngay trong ngày 31-3-2020, nhóm bạn đóng góp tiền mua 1 tấn gạo phát cho người bán vé số dạo. Chỉ trong vòng 30 phút, 1 tấn gạo hết sạch. Người nghèo đến sau không nhận được gạo lừng chừng ngóng đợi, thấy vậy nhóm bạn quyết định mua thêm 500kg phát tiếp.
Trước việc làm ý nghĩa này, những hộ gia đình trên đường Cách Mạng Tháng Tám quyết định thành lập Tổ nấu ăn từ thiện mùa Covid-19, với mục đích nấu bữa ăn sáng phát miễn phí cho người nghèo. Tại đây, người góp công, người góp của, đồng thời phân chia công việc cho từng hộ gia đình, tránh tập trung đông người.
3 giờ sáng là thời điểm các thành viên trong tổ nấu ăn bắt đầu chuẩn bị bữa ăn sáng, không ai bảo ai, người nấu nước, người chuẩn bị nguyên liệu,… Dù công việc vất vả nhưng các thành viên trong tổ vẫn luôn nở nụ cười hạnh phúc. Có lẽ với họ, được giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn là quan trọng nhất. Chị Đinh Thị Út (thành viên Tổ nấu ăn từ thiện mùa Covid-19) chia sẻ: “Ban đầu, tôi nghĩ duy trì việc phát thức ăn sáng miễn phí cho người nghèo sẽ rất khó khăn, vì thiếu kinh phí. Song, khi phát động, không chỉ các hộ gia đình trên đường Cách Mạng Tháng Tám tích cực hưởng ứng mà rất nhiều nhà hảo tâm cũng đến đóng góp. Giờ đây, bình quân mỗi ngày, tổ nấu khoảng 500 phần ăn sáng, chi phí từ 3-4 triệu đồng, trong đó các món ăn được thay đổi liên tục như bún riêu, phở, cháo thịt bằm,…”.
Phát cho người nghèo
6 giờ sáng, các phần ăn sáng miễn phí dành tặng người nghèo hoàn thành, được bỏ vào hộp tử tế, xếp ngay ngắn trên bàn, với dòng chữ “Miễn phí, một người một phần”. Bà Bùi Thị Ngọc, ngụ phường 2, TP.Tân An, nói: “Hai vợ chồng tôi đều đi bán vé số dạo. Sau khi có quy định dừng bán vé số, gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn vì không có thu nhập nhưng phải đóng tiền nhà trọ, lo chi phí ăn uống. Vợ chồng tôi nhận được phần ăn sáng này, giảm được một phần chi phí nên rất mừng, cảm ơn những tấm lòng hảo tâm”.
Chưa dừng ở đó, hình ảnh chứa chan tình người của tổ nấu ăn còn là việc phân công thành viên đem phần ăn sáng đến trao tận nhà cho các cụ già neo đơn, người khuyết tật,... Ông Phạm Văn Hửng, ngụ khu phố 5, phường 1, TP.Tân An, bộc bạch: “Thấy tôi đi lại khó khăn, mấy cháu phát từ thiện đem lại tận nhà. Vợ chồng tôi lớn tuổi, không làm ra tiền, hơn nữa các quán ăn không mở cửa, nên rất mừng khi nhận được phần ăn sáng này”.
Giúp người không phải cho cái mình dư thừa mà là chia sẻ chút ít cái mình đang có. Và thực sự các thành viên trong tổ nấu ăn không phải ai cũng khá giả, bởi có người kinh tế cũng còn khó khăn. Thế nhưng, với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", "Lá rách ít đùm lá rách nhiều", họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người khó khăn hơn mình.
Ông Lâm Minh Hùng (đại diện Tổ nấu ăn từ thiện mùa Covid-19) cho biết: “Có một cô chỉ làm đại lý nước đá rất nhỏ, đi bỏ nước đá phải chạy xe đạp, mỗi ngày lời chưa được 200.000 đồng, vậy mà vẫn ủng hộ bếp ăn 300.000 đồng/ngày. Hành động ấy, chúng tôi rất quý và có thêm động lực duy trì việc nấu thức ăn sáng phát miễn phí cho người nghèo. Đối với chúng tôi, những phần ăn trao đi không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, giúp người nghèo cảm thấy không đơn độc trong hành trình vượt qua đại dịch Covid-19”.
Những ngày này, chúng ta đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh người nghèo được tặng gạo, khẩu trang, nhu yếu phẩm, suất ăn miễn phí. Những việc làm, hành động ý nghĩa ấy đã khẳng định được sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc ta trong bất cứ thời đại nào. Và cứ thế, người dân Long An nói riêng, cả nước nói chung đang dang rộng vòng tay cùng người nghèo đi qua mùa dịch Covid-19./.
Minh Thư