Khi tôi còn là một cậu bé con con ưa chơi trò trận giả, hình ảnh chú công an biên phòng cưỡi ngựa, bắn súng hai tay đã trở thành thần tượng.
Thần tượng hiện ra trong những mẩu chuyện, vần thơ ở trường cô giáo kể; trong những bài hát trên đài phát thanh mỗi chương trình dành cho chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo.
Lớn lên một chút, thần tượng trở nên gần gũi hơn trong những lời kể của chú tôi - một chiến sĩ nơi biên giới vùng cao đã xuất ngũ và ở trên những tờ lịch biên phòng.
Minh họa: Internet
Hồi ấy, quê tôi chưa có truyền hình. Cả tuổi thơ tôi được một vài lần xem chiếu bóng. Vài bộ phim về bộ đội ta chiến đấu. Những buổi chiều mùa đông, khi ánh tà dương dát vàng trên mặt cỏ khô, chú cháu tôi nằm dài trên bờ ruộng sau nhà. Cậu bé háu chuyện là tôi căng mắt dõi theo cánh tay chú tôi đang chỉ.
Phía xa xa nơi tít tận chân trời, những tia nắng cuối ngày xiên chéo vào những đám mây khô, đứng lặng im tầng tầng lớp lớp. Chú tôi bảo, đó là những dãy núi trên biên giới phía Bắc xa xôi, nơi chú tôi từng công tác. Chỉ những buổi trời thật trong mới nhìn thấy được.
Như thể muốn cho tôi thật tin, chú thường lật đi lật lại từng tờ lịch cũ treo trên tường để giảng giải cho cậu bé lên mười dễ hiểu. Những tờ lịch tết ấy là kỷ vật thiêng liêng ghi dấu ấn ba năm trong cuộc đời chú được đứng trong hàng ngũ những người bộ đội biên phòng, những năm 1980.
Quê tôi không có núi. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi trên trang bìa quyển lịch, ấy là hình ảnh người chiến sĩ biên phòng quân phục chỉnh tề, đôi mắt sáng ngời, cưỡi trên mình ngựa. “Ngựa phi nhanh như bay - Cả cánh rừng nổi gió”. Xa xa là những dãy núi xanh lơ và những nhành đào đỏ thắm. Chú tôi bảo, đó là hình ảnh các chú trên đường lên điểm tựa. Dù gian khổ thế nào cũng chẳng bao giờ sờn lòng, nản chí.
Sau này, trong những phiên gác khuya, một mình trên tổ chốt, tôi bỗng nhớ lại những câu nói ấy mà lòng vui như có ngọn lửa hồng sưởi ấm. Còn khi ấy, trong tôi đã trỗi dậy niềm ước ao vĩ đại, ấy là làm sao thật mau chóng trưởng thành để xung phong thành người chiến sĩ.
Còn Lan, cô bạn nhà bên chỉ thích xem đi, xem lại hình ảnh cô bộ đội biên phòng rất xinh với hai má lúm đồng tiền sâu hoáy. Chú tôi bảo, đây là cô bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đang phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho bà con dân bản. Ở nơi rừng núi xa xôi, bà con còn thiếu hiểu biết.
Bộ đội biên phòng đem những chủ trương của Đảng, kiến thức về đời sống mới chuyển thành những tiểu phẩm, những lời ca, tiếng hát khiến cho bà con dễ gần, dễ hiểu biết. Việc đó chỉ những cô chú dân công mới làm được. Nghe thế, Lan cứ trố mắt nhìn chú tôi, thích thú. Cô bé ước ao rồi sau này lớn lên cũng xung phong đi làm văn công múa hát.
Ước thì ước thế chứ sau này lớn lên, Lan đi làm bác sĩ, lấy chồng trên thành phố. Chỉ có tôi, hơn hai mươi năm rồi vẫn đang thực hiện ước mơ của mình từ những ngày thơ ấu.
Mỗi năm, gần đến ngày tuổi đời, tuổi quân thêm lên một số, lòng tôi vẫn giữ nguyên cái cảm giác hồi hộp, háo hức lật giở từng trang lịch tết. Càng về sau này, lịch biên phòng làm càng đẹp, chất lượng càng cao.
Nếu trước đây chỉ là hình ảnh hoạt động của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng phía Bắc thì sau này, tờ lịch có gần như đầy đủ hoạt động của bộ đội biên phòng cả nước, từ hoạt động bảo vệ biên giới trên đất liền đến bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; từ những hoạt động công tác biên phòng bình thường như tuần tra, kiểm soát, giúp dân xóa đói, giảm nghèo,… đến những hoạt động công tác đòi hỏi trình độ kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 như kiểm tra, giám sát biên phòng ở cửa khẩu, cảng, thủ tục biên phòng điện tử;… Trong đó không bao giờ thiếu được hình ảnh những người lính quân hàm xanh đứng trang nghiêm canh gác; gìn giữ cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, từ cột cờ Lũng Cú, cực Bắc, Hà Giang đến Mũi Cà Mau tận cùng Tổ quốc, bên những cành đào, cành mai khoe sắc thắm tươi đón chào mùa xuân mới.
Tôi cứ âm thầm, tâm niệm việc làm của mình như là một cách chia sẻ nguồn vui cũng như tuyên truyền sâu, rộng trong những người thân yêu và người dân biên giới về các hoạt động của bộ đội biên phòng.
Mỗi dịp tết đến, xuân về, tôi thường dành tặng những quyển lịch biên phòng cho những người thân và các gia đình trên địa bàn công tác. Số lượng những quyển lịch ngày một nhiều hơn, nhiều gia đình được tặng hơn khi tôi trở thành chỉ huy đơn vị cơ sở. Đón nhận tờ lịch trong tay, người dân phấn khởi, treo nơi trang trọng trong nhà.
Nhớ hồi 20 năm trước, tôi còn công tác ở một xóm nghèo nơi cửa biển, những hộ dân xung quanh trạm biên phòng cơ bản đều là ngụ cư; nhà cửa chỉ là những căn chòi vách tôn, mái lá. Gió lùa cửa trước chưa kịp chạy ra cửa sau đã tan ra đón ánh nắng mặt trời ùa vào tứ phía.
Thường trước Tết Dương lịch, anh em biên phòng đã tặng lịch cho người dân. Nhưng họ để dành cả ở trong tủ kính. Tới ngày Tết Nguyên đán, khi trang trí đón xuân, họ mới đem ra treo ở chính giữa gian nhà, dưới lá cờ Tổ quốc.
Bây giờ ở quê tôi và nhiều miền biên giới, nhà cửa của người dân đã khang trang, bề thế, tường bêtông sơn sáng bóng. Nội thất được thiết kế chi tiết, văn hoa. Những bức tranh đắt tiền được treo theo phong thủy của gia chủ. Nhưng những quyển lịch biên phòng - quà của người lính quân hàm xanh vẫn còn nguyên giá trị. Nó được trân trọng, nâng niu gìn giữ và sử dụng như sự tin yêu của người dân với Đảng, với quân đội và với những người lính biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc./.
Nguyễn Hội