Tiếng Việt | English

13/06/2016 - 11:11

Níu giữ hồn quê

Nơi đất lạ, những người con ly hương lập nghiệp chỉ mong cuộc sống sẽ khá hơn. Hành trang lập nghiệp của họ còn chứa cả một mảnh hồn của quê hương. Những nghề bán bánh chưng, bánh giò, bánh chuối nướng,... đâu chỉ là cần câu cơm, đó còn là một phần hồn quê mà những người nghèo lập nghiệp xa xứ muốn níu giữ...

1. Trời sập tối, bên góc đường Trương Định, TP.Tân An (gần Sân vận động Long An), bà Nguyễn Thị Vẽ, 57 tuổi, cặm cụi sắp lại những chiếc bánh chưng, bánh giò ngay ngắn để khách ghé mua. Hơn 15 năm nay, dù ngày nắng hay mưa, bà vẫn lộc cộc đạp xe chở bánh từ nhà ở phường 3 ra góc đường Trương Định để bán mỗi tối.

Bà Nguyễn Thị Vẽ sắp lại những chiếc bánh chưng

“Hôm nào trời không mưa thì bánh hết sớm, còn trời mưa dầm thì hơn 10 giờ đêm tôi mới bán xong và trở về nhà. Ngày thường, cũng ít người mua nên tôi bán vài chục cái bánh chưng, bánh giò, chỉ dịp Tết Nguyên đán hoặc Tết Đoan ngọ thì bán số lượng gấp đôi” - bà Vẽ chia sẻ.

Sau mỗi đêm bán khoảng 30 cái bánh chưng với giá từ 10.000-70.000 đồng/cái tùy lớn, nhỏ và hơn 20 cái bánh giò (40.000 đồng/cái), bà Vẽ kiếm được tiền lời hơn 100.000 đồng. Công việc cực nhọc, thức khuya, dậy sớm nhưng bà vẫn gắn bó cho đến nay, phần vì lớn tuổi khó tìm việc làm, phần vì muốn giữ lại chút gì đặc sắc của quê hương Thái Bình xa xôi.

Bà Vẽ kể: “Tôi vào TP.HCM làm công nhân từ năm 1986. Đến năm 1997, tôi theo chồng về Long An sinh sống. Gia cảnh lúc đó nghèo lắm, loay hoay tìm kế mưu sinh nhưng chẳng biết phải làm nghề gì nên tôi bán bánh chưng, bánh giò. Khi đó, bánh này ít người bán và lạ vì là đặc trưng của miền Bắc nên tôi bán được rất nhiều. Còn bây giờ, nhiều người bán nên lượng khách bị chia sẻ ít nhiều”.

Vào dịp tết, bà Vẽ phải tất bật chuẩn bị lượng bánh nhiều gấp mấy lần ngày thường. Nhiều khách hàng ở TP.HCM, Tiền Giang,... cũng đến đặt bà gói bánh để cúng tổ tiên. Nếu ai đã từng ăn bánh chưng, bánh giò bà Vẽ một lần sẽ trở thành khách hàng thân thiết bởi vị ngon của bánh.

Đó là những chiếc bánh do chính tay người con quê hương miền Bắc gói nên đúng kỹ thuật, nêm nếm vừa miệng, gói chặt tay nên nếp rất dẻo, có thể để được 3-4 ngày. Đặc biệt, để bánh có màu xanh, bà không dùng phẩm màu mà lấy nước lá bồ ngót trộn vào nếp vừa có màu sắc bắt mắt, vừa an toàn cho người sử dụng.

Bà kể: “5 giờ sáng là tôi thức dậy xé, lau lá chuối, lá dong và bắt đầu gói bánh đến 2 giờ chiều. Bánh giò thì đem hấp 60 phút, còn bánh chưng thì nấu 6 tiếng. Dù chồng và các con cũng biết gói nhưng chỉ phụ việc vặt, công đoạn gói, tôi tự làm vì quen tay gói sẽ chặt, bánh sẽ ngon hơn”.

Chính nghề gói, bán bánh chưng, bánh giò là “cần câu cơm” của gia đình nhỏ 4 thành viên. Cũng những chiếc bánh ấy đã nuôi cô con gái của bà bước vào cánh cửa trường đại học, nên dù vất vả đến đâu, bà cũng bám nghề.

2. Hôm ấy, trời mưa dầm! Vậy mà, khách đến mua bánh chuối nướng của bà Nguyễn Thị Thu vẫn đông làm câu chuyện giữa tôi và bà liên tục đứt quãng. Vừa bán xong cho khách, bà quay sang tôi rồi kể, năm 8 tuổi, bà lẽo đẽo theo gánh chuối nướng của bà cố bán ở quê nhà Bến Tre. Lớn lên, bà tiếp nối nghề bán bánh chuối nướng tồn tại suốt 3 đời của gia đình. Có điều, bây giờ, bà không còn bán món ăn đặc sản của xứ dừa Bến Tre ở quê nhà mà theo con gái lên Long An, giới thiệu đến người dân nơi đây.

Bà Thu tiếp nối cái nghề đã theo gia đình bà 3 thế hệ

“Tôi lên đây trông cháu ngoại 8 năm nay. Khi cháu đến tuổi gửi nhà trẻ, tôi đi bán vé số kiếm thêm tiền bỏ túi, phòng khi cần sẽ có. Nhưng vẫn nhớ nghề bán bánh chuối nướng đã gắn bó từ thuở nhỏ nên 6 năm nay, tôi bán gánh bánh chuối nướng nhỏ ở gần góc đường Hùng Vương giao với đường Mai Thị Tốt” - bà Thu tâm sự.

Mỗi cái bánh chuối nướng bà Thu bán lời chẳng bao nhiêu mà cực thì nhiều, nhưng bà vẫn bám nghề. Mỗi hôm, trễ lắm là đến 21 giờ, bà bán sạch 300 bánh chuối nướng và kiếm lời 300.000 đồng. Bà Thu cho biết: “4 giờ sáng là tôi thức dậy để nạo dừa lấy nước cốt. Sau đó, quay qua luộc chuối, nấu cơm nếp, cán cơm nếp và quấn quanh trái chuối để 3 giờ chiều kịp mang đi bán”.

Suốt nhiều năm nay, hình ảnh đôi vợ chồng tuổi gần 70 ngồi nướng chuối bên góc đường Hùng Vương dường như đã quen với khách đi đường. Hôm nào, bà mệt nghỉ một bữa, khách hàng lại thấy thiếu thiếu khi mỗi lần ngang qua, mùi bánh chuối nướng không phảng phất thơm lừng như mọi bữa. Cái mùi hương đặc trưng của quê Bến Tre ấy đã níu chân nhiều khách hàng.

Những ngày mưu sinh bằng nghề bán chuối nướng, bán bánh chưng,... dù có vất vả nhưng người bán vẫn vui. Bởi, đó vừa là công việc để kiếm tiền chính đáng, vừa là đặc trưng quê hương mà họ mãi mang theo dù ở nơi nào.../.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết