Tiếng Việt | English

21/11/2024 - 07:55

Nỗ lực giảm nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An từng bước hoàn thành mục tiêu trong công tác giảm nghèo. Qua đó, khơi dậy tính tự lực, tự cường của người dân trong phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhờ nguồn Quỹ góp vốn xoay vòng của Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo

Góp vốn cùng thoát nghèo

Gần 30 năm di cư từ miền Bắc vào xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng sinh sống, công việc mưu sinh của cựu chiến binh (CCB) Trần Đình Sáu là chạy xe ôm, thu nhập hàng ngày vài chục ngàn đồng, cuộc sống bấp bênh.

Năm 2019, với số tiền 18 triệu đồng vay lãi suất thấp từ mô hình Quỹ góp vốn xoay vòng của Hội CCB xã và tiền tích cóp được, gia đình ông Sáu mua máy xới đất, mướn ruộng và mua hạt giống, phân bón về trồng rau. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ông ổn định, trung bình 300.000 đồng/ngày.

Sau gần 5 năm vay vốn, gia đình ông Sáu trả hết số tiền vay. Ông Sáu mất, bà Lương Thị Mơ (vợ ông), tiếp quản công việc này và gia đình vươn lên thoát nghèo.

“Vào miền Nam với 2 bàn tay trắng, nhờ nguồn quỹ góp vốn xoay vòng, tôi có vốn trồng rau, thoát nghèo. Nguồn vốn xoay vòng rất thiết thực, không chỉ giúp gia đình tôi thoát nghèo mà còn tiếp sức để 2 người con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định” - bà Lương Thị Mơ chia sẻ.

Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ góp vốn xoay vòng, gia đình bà Lương Thị Mơ (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) có công việc ổn định, thoát nghèo

Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận - Nguyễn Đồng Hương vay 18 triệu đồng từ nguồn quỹ góp vốn xoay vòng và vay thêm 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để con gái ông mở cơ sở sơ chế nông sản. Cơ sở này mang lại thu nhập tốt và tạo thêm việc làm ổn định cho 4 người dân địa phương.

Mô hình Quỹ góp vốn xoay vòng của Hội CCB xã Vĩnh Thuận tiếp tục được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình khó khăn khác cũng mạnh dạn vay để tạo “cần câu cơm” ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Thuận - Lê Văn Út cho biết: “Mô hình Quỹ góp vốn xoay vòng được Hội triển khai vào cuối năm 2019, lúc đầu có 7 hội viên (HV) tham gia đóng góp theo khả năng tự nguyện khoảng 25 triệu đồng. Với nguồn vốn này, Hội cho các HV vay với lãi suất thấp (0,3%/năm) để trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, có 46 HV tham gia, với số vốn hơn 160 triệu đồng. Qua gần 5 năm, từ nguồn vốn này giúp 17 lượt hộ nghèo, cận nghèo là HV CCB trong xã vay để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”.

Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có hơn 960 mô hình Dân vận khéo. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có hơn 180 mô hình; văn hóa - xã hội gần 560 mô hình; quốc phòng - an ninh hơn 80 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị gần 140 mô hình. Nhiều mô hình như Quỹ góp vốn xoay vòng, hiến đất làm đường, vận động người dân đóng góp các nguồn lực cùng chung sức tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, công trình cung cấp nước hợp vệ sinh, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, các hoạt động an sinh xã hội,…

Nỗ lực giảm hộ nghèo

Theo đánh giá của UBND huyện Vĩnh Hưng, nguyên nhân nghèo chủ yếu là người dân không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định, gia đình đông con, bệnh nan y,...

Bên cạnh nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ, nguồn huy động, vận động xã hội hóa, các ban, ngành, đoàn thể địa phương chủ động hiến kế, tạo ra những mô hình ý nghĩa và thiết thực sát với thực tiễn đặc thù vùng biên như chung tay xóa nhà tạm, dột nát, quỹ góp vốn xoay vòng, đa dạng hóa sinh kế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi,...

Những mô hình khi lan tỏa phát huy hiệu quả, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, góp phần xây dựng thành công xã NTM.

Hiện nay, toàn huyện có 286 hộ nghèo và 769 hộ cận nghèo. Dự kiến cuối năm 2024, hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 201 hộ (chiếm 1,43%), đạt 100% kế hoạch giảm nghèo.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Hưng - Võ Hồng Lĩnh cho biết: Thời gian qua, huyện tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách giảm nghèo nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Đời sống người dân huyện Vĩnh Hưng ngày càng được cải thiện

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đời sống của người dân huyện Vĩnh Hưng được cải thiện nhiều so với trước đây. Cụ thể, các địa phương quan tâm luôn về nhà ở, mức sống, điều kiện hoàn cảnh về vật chất, tinh thần,... giúp người dân ổn định. Đây chính là động lực để người dân chung tay cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM vào năm 2024.

Các hoạt động của UBMTTQ Việt Nam, các đoàn thể huyện Vĩnh Hưng không chỉ góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần mà còn vận động người dân xây dựng lối sống lành mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ,  hạnh phúc và chung sức xây dựng NTM.

Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có hơn 960 mô hình Dân vận khéo. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có hơn 180 mô hình; văn hóa - xã hội gần 560 mô hình; quốc phòng - an ninh hơn 80 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị gần 140 mô hình.

Nhiều mô hình như Quỹ góp vốn xoay vòng, hiến đất làm đường, vận động người dân đóng góp các nguồn lực cùng chung sức tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, công trình cung cấp nước hợp vệ sinh, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, các hoạt động an sinh xã hội,…/.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết