Long An là tỉnh có đặc thù sông nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ. Đuối nước ở trẻ em luôn là vấn đề “nóng”, nguyên nhân lớn dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em. Nỗi đau mất mát do đuối nước mãi mãi là nỗi ám ảnh, khó có thể xoa dịu theo thời gian. Vì vậy, việc phổ cập bơi, hạn chế tình trạng đuối nước là việc làm thiết thực giúp phòng tránh tai nạn thương tâm này.
Dạy bơi cho trẻ em là giải pháp phòng, chống đối nước hiệu quả
Phổ cập bơi cho trẻ
Nhằm trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh (HS), Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố phối hợp các ngành liên quan và các trường học thực hiện xã hội hóa việc triển khai các lớp dạy bơi cho HS tại các trường tiểu học.
Ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học Mai Thị Non (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước cho HS. Theo đó, trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng tránh đuối nước cho HS vào giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp bằng nhiều hình thức phong phú; đồng thời, vận động, khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện cho HS tham gia các lớp học bơi.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Thị Non - Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết: “Chủ đầu tư trên địa bàn huyện Bến Lức mượn cơ sở ở trường xây dựng hồ bơi di động 3 năm nay. Mỗi năm tổ chức 30 lớp dạy bơi (20 HS/lớp).Nhà trường xây dựng kế hoạch để HS được học bơi trong chương trình học và các giờ ngoại khóa. Vì vậy, số HS biết bơi ngày càng tăng so với các năm học trước. Hiện trường có khoảng 60-70% HS biết bơi.Năm 2019, trường được chọn làm điểm phòng, chống tai nạn đuối nước của huyện”.
Mục tiêu của trường là mỗi HS không chỉ biết bơi mà còn phải bơi đúng kỹ thuật, có kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi không may xảy ra tai nạn. Hàng năm, trường đều tổ chức các cuộc thi bơi cho HS.Qua đó, tìm kiếm, kịp thời phát hiện những em có năng khiếu để bồi dưỡng đi thi cấp tỉnh, quốc gia. Em Đặng Phương Châu (HS lớp 4/5, Trường Tiểu học Mai Thị Non) chia sẻ: “Em học bơi ở trường 1 năm nay. Em rất thích học bơi vì đây là môn thể thao giúp chúng em giảm căng thẳng sau giờ học, tăng cường về thể lực, sức khỏe”.
Trường Tiểu học Cần Đốt (phường 6, TP.Tân An) có 24 lớp với 834 HS đều học bán trú. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, trường tận dụng một số tiết hoạt động ngoài giờ để phổ cập bơi cho HS. Trường phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Xuân Thành (TP.Tân An) triển khai dạy bơi cho các em bằng hồ bơi nhân tạo tại trường. Theo đó, có 225 HS tham gia học bơi.Hiện trường có 40% HS biết bơi.Thời gian tới, trường tiếp tục phấn đấu có 80% HS biết bơi nhằm đạt yêu cầu cấp trên giao.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cần Đốt - Lâm Văn Anh cho biết: “Bình quân mỗi em học khoảng 20 tiết là biết bơi. Nhà trường đang vận động phụ huynh HS khối lớp 1 đăng ký cho con em học bơi. Sau mỗi khóa học bơi, nhà trường và huấn luyện viên của công ty tổ chức kiểm tra kỹ năng bơi của các em.Năm học 2018-2019, trường còn chọn được 4 em bơi giỏi tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố”.
Trước khó khăn về kinh phí như hiện nay thì việc các trường tiểu học thực hiện công tác xã hội hóa bằng cách sử dụng đất Nhà nước để khuyến khích tư nhân đầu tư hồ bơi hoặc trang bị hồ bơi di động dạy bơi cho trẻ là việc làm mang ý nghĩa thiết thực cần được nhân rộng.
Hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước
Những năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra không ít vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em khiến nhiều gia đình và dư luận không khỏi xót xa. Chính vì thế, UBND huyện Châu Thành tích cực triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân về lợi ích và sự cần thiết của việc phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; đồng thời, xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em để gia đình và cộng đồng cùng tham gia phấn đấu thực hiện. Qua đó, từng bước hạn chế tai nạn, thương tích ở trẻ em, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng của trẻ em, vì sự phát triển bền vững thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Bên cạnh đó, UBND huyện còn tổ chức Lễ phát động Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2019 vào ngày 01/6. Việc tổ chức lễ phát động nhằm tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và cộng đồng. Từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước.
Là địa phương có nhiều sông nước nên xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa luôn quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ. Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Tây - Dương Thanh Điệu thông tin: “Đối với những trẻ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thì địa phương hỗ trợ kinh phí cho các em học bơi. Toàn xã hiện có khoảng 80% HS tại các trường tiểu học, THCS biết bơi. Địa phương cũng đặt những biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực dễ gây tai nạn do đuối nước cho trẻ em. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xã triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhiều năm nay; tạo điều kiện, hỗ trợ áo phao cho HS nghèo khu vực vùng sâu”.
Các bậc phụ huynh học sinh cần phối hợp nhà trường quản lý chặt chẽ con em mình
Ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh HS cần phối hợp nhà trường quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng HS trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ hoặc kỳ nghỉ hè để đi tắm ao, hồ, sông, rạch hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn mà không có người lớn đi cùng. Anh Phạm Văn Dương (ấp 1, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Do sống trên địa bàn sông, nước nên gia đình tôi rất quan tâm đến việc dạy bơi cho con. Khi trường thông báo mở lớp dạy bơi, tôi liền đăng ký cho con theo học. Đến nay, con tôi không chỉ biết bơi mà còn có kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những tai nạn dưới nước nguy hiểm và tham gia các cuộc thi bơi do huyện tổ chức”.
Nỗi đau mất mát do đuối nước mãi mãi là nỗi ám ảnh, khó có thể xoa dịu theo thời gian và không có gì bù đắp được. Để không phải chứng kiến những vụ tai nạn sông nước thương tâm này, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện dạy bơi cho trẻ. Ông cha ta đã nói: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên chủ quan mà cần sớm cho con em mình học bơi để trang bị cho các em kỹ năng tự vệ trước hiểm họa do đuối nước gây ra.
Học bơi sẽ giúp trẻ biết bơi và nâng cao sức khỏe. Khi biết bơi sẽ giúp trẻ xử lý được các tình huống xấu khi chẳng may bị rơi xuống sông, ao, hồ,...Trung bình mỗi em học từ 5-10 buổi sẽ biết được kỹ thuật bơi ếch (đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên). Riêng đối với trẻ từ 3-5 tuổi, bình quân khoảng 17 tuần, mỗi tuần học 1 buổi thì sẽ biết bơi"./.
Huấn luyện viên bơi lội
(Trường Thể dục - Thể thao Long An) - Hồ Văn Mỹ
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương