Tiếng Việt | English

27/11/2024 - 10:52

Nỗ lực thực hiện hiệu quả mô hình điểm 1 triệu hécta lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là ĐA), Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) được tỉnh chọn làm điểm để thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (huyện Tân Thạnh)- Đặng Rô Xăng cùng thành viên hợp tác xã thăm cánh đồng lúa thực hiện mô hình điểm 1 triệu hécta lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Theo đó, diện tích thực hiện mô hình điểm là 14ha với 7 hộ dân là thành viện HTX tham gia. Cụ thể, mô hình sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha và lượng phân 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm được lượng giống, vừa bảo đảm việc không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ.

Ông Trần Văn Lù - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình, chia sẻ: “Qua các buổi tập huấn, hướng dẫn thực hiện ĐA, tôi nhận thấy mô hình này có nhiều triển vọng nên quyết tâm thực hiện. Tôi tham gia thực hiện ĐA với diện tích 1,8ha, đến nay, lúa được gần 50 ngày tuổi, chúng tôi vừa bón phân đợt 2 để đón đòng, lúa đang phát triển tốt”.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình - Đặng Rô Xăng cho biết, khi HTX được chọn thực hiện thí điểm mô hình mới, ông và các thành viên tìm hiểu thông tin qua các phương tiện truyền thông. Tất cả đều nhận thức được tầm quan trọng của ĐA trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhận thấy nhiều lợi ích lâu dài, ông Xăng cùng các thành viên HTX bày tỏ mong muốn thực hiện mô hình thí điểm. Họ hiểu rằng việc áp dụng các phương pháp canh tác mới không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.

Khi tham gia thực hiện ĐA, nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, kết cấu hạ tầng; cung cấp giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định; được hỗ trợ các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và các chính sách trong khuôn khổ ĐA; được chia sẻ lợi ích từ việc bán tín chỉ các-bon;... Đặc biệt, khi áp dụng biện pháp sạ hàng đường biên kết hợp bón vùi phân giúp giảm thất thoát và giảm phát thải khí nhà kính.

“Với kinh nghiệm sản xuất lúa được tích lũy hàng chục năm và quyết tâm của các thành viên, HTX tự tin sẽ triển khai mô hình hiệu quả và đạt các mục tiêu mà ĐA đề ra” - ông Đặng Rô Xăng cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết