Thành quả bước đầu
Theo UBND TP.Tân An, qua 6 năm thực hiện NQ02, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất của các ngành duy trì ở mức cao, đạt trung bình hàng năm trên 11,4%. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Một góc TP.Tân An Tân An hướng đến xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp
Đó là tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp; mật độ dân số khu vực nội thành; tỷ lệ hộ nghèo; hộ sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cán bộ chủ chốt đạt trình độ theo quy định; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ người luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên; xã đạt tiêu chí (TC) nông thôn mới; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia;...
Hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc được chỉnh trang và từng bước ngầm hóa, giữ ổn định diện tích sản xuất phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Thành phố đang triển khai xây dựng, phát triển quản lý đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị, đạt chuẩn đô thị kiểu mẫu; một số tuyến đường chính trên địa bàn được lập thiết kế đô thị, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường đô thị.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; nông thôn thay đổi theo hướng đô thị hóa; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Một vài công trình trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng,
tạo bước đột phá cho sự phát triển.
Văn hóa - xã hội từng bước phát triển; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng về vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị 03-CT/TW (khóa XI) và Chỉ thị 05-CT/TW (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,...
Vẫn còn gặp khó
Trong tiến trình xây dựng, Tân An luôn chú trọng phát triển bền vững gắn với xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, nội lực có hạn nên còn gặp không ít khó khăn.
Tân An hướng đến xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp
Thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy đúng định hướng nhưng vẫn chậm so với yêu cầu; chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chưa cao. Công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi chậm, chưa phù hợp với loại hình nông nghiệp ven đô, chậm triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đầu tư thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng trưởng kinh tế và phục vụ dân sinh. Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, để đạt đô thị loại II, thành phố phải thực hiện khá nhiều nhiều TC. Hiện, thành phố vẫn còn 11 TC chưa đạt đô thị loại II.
Phần lớn là những TC khó, đòi hỏi nguồn vốn. Đó là các TC: Dân số toàn đô thị, tỷ lệ tăng dân số hàng năm; diện tích sàn nhà ở bình quân; công trình thương mại; dịch vụ cấp đô thị; mật độ đường giao thông; diện tích đất giao thông tính trên dân số; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; số thuê bao Internet; mật độ đường cống thoát nước chính; tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật;...
Một số công trình trọng điểm theo NQ02 và NQ Đại hội Đảng bộ thành phố triển khai còn chậm hoặc chưa hoàn chỉnh: Đường Hùng Vương nối dài (đoạn phường 3 - xã Bình Tâm), Dự án Bến xe khách và Trung tâm Thương mại phường 4, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, bờ kè kênh vành đai phường 3.
Thành phố chưa phát huy tốt việc huy động mọi nguồn lực khai thác tiềm năng và lợi thế để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế. Thu ngân sách đạt nhưng chưa bền vững. Tình trạng ngập nước, lấn chiếm vỉa hè, ô nhiễm môi trường còn xảy ra. Quản lý các dịch vụ văn hóa, nhất là Internet, game online, nhạc sống chưa tốt,...
Ông Lê Công Đỉnh nhận định, khó khăn lớn nhất của thành phố là thiếu nguồn lực để đầu tư, nhất là TC về hệ thống xử lý nước thải. Đến nay, vấn đề này rất nan giải bởi tổng vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung lên đến 1.000 tỉ đồng.
Huy động nguồn lực
Bí thư Thành ủy - Trần Kim Lân cho biết, để Tân An xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, đạt đô thị loại II trước năm 2020, ngoài sự quan tâm của tỉnh, thành phố tập trung nhiều giải pháp, tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận; từ đó, chung sức, chung lòng đóng góp cùng chính quyền thực hiện.
Trong quá trình xây dựng để trở thành đô thị loại II, TP.Tân An chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
Thành phố tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện các hạng mục tái định cư, dự án nhà ở xã hội; chú trọng bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Trong tổ chức bộ máy chính quyền thành phố phải nêu cao tinh thần phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện.
Thành phố cần bố trí riêng nguồn vốn để xây dựng và phát triển, ngoài nguồn vố hỗ trợ thường xuyên hàng năm; phân cấp nguồn thu; có cơ chế tăng phần trăm vốn sự nghiệp kinh tế cho thành phố;...
Với những định hướng đúng đắn, tin rằng tương lai không xa, Tân An sẽ vươn lên trở thành đô thị loại II, xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh.
"Góp phần hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND thành phố cùng các ngành kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, chất lượng hàng hóa. Tiếp đó, thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ven đô và kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhân rộng mô hình hợp tác xã làm ăn hiệu quả và các dịch vụ nông nghiệp,...", Trưởng phòng Kinh tế thành phố - Đỗ Văn Thạch "Thành phố cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng các hạng mục còn lại của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố và xây dựng các trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng của một số địa phương. Cho cơ chế việc quản lý các di tích do tỉnh phân cấp, giao về các huyện, thị xã, thành phố cũng như nguồn kinh phí hoạt động các di tích. Tôi cũng kiến nghị các xã, phường cần phát huy hơn nữa việc giữ gìn, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, danh hiệu xã văn hóa, phường văn minh đô thị, khu phố, ấp văn hóa. Quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn mình quản lý,..." - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố - Huỳnh Thị Bạch Lan |
Thanh Nga