Chung tay làm nên tết
Khi tiết trời dần se lạnh thì tết cũng đến gần. Những đề tài về tết cũng vậy mà theo về. Đó là câu chuyện của các bà, các mẹ, các chị về cách làm mứt, kinh nghiệm gói bánh ngon hay khi nào người thân về quê đón tết.
Những ngày này, chị Đặng Thị Phượng, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, chuẩn bị làm các loại mứt, cải chua, củ kiệu,... Chị chia sẻ: “Tự làm bánh, mứt và các món ăn phục vụ tết vừa ngon, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông xã và con cùng tôi chuẩn bị tết. Mỗi người mỗi việc, dù cực nhưng vui lắm! Tôi và con gái út lo việc bếp núc, chồng tôi thì chăm sóc hoa, lau bàn thờ tổ tiên, đánh bóng bộ lư đồng. Rồi cả nhà lại cùng nhau chọn những trái cây đẹp nhất chưng mâm ngũ quả”.
Năm nào cũng vậy, dù bận bịu đến đâu, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Em (ấp Xuân Hòa 1, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) luôn giữ nếp đón tết của gia đình
Cũng như chị Phượng, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Em, ngụ ấp Xuân Hòa 1, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, bắt đầu chuẩn bị tết từ khá sớm. Tất cả các thành viên trong gia đình mỗi người một việc, chung tay tạo nên những ngày tết ấm áp. Vừa kết thúc vụ tôm cách đây không lâu, giờ gia đình bà tập trung chuẩn bị đón tết. Khoảng sân nhỏ rực rỡ sắc hoa được chăm bón từ đầu tháng 11 âm lịch. Xa phía hàng rào là mấy vỉ mứt me tết đang được phơi nắng. Bà Kim Em chia sẻ, để đón tết, năm nào bà và con gái cũng làm vài mẻ mứt: Me, dừa, dẻo. Khoảng 23 tháng Chạp thì mẻ mứt me đã ráo, được đóng hộp, chờ tết. Mứt dừa, dẻo thì đến ngày 27, 28 tháng Chạp mới bắt đầu làm. Bà nói: “Nhà có sẵn dừa, chuối nên tết nào cũng làm mứt, vừa ngon lại an toàn và có không khí tết. Nhà tôi mấy hôm nay bắt đầu dọn dẹp, nay mai ông nhà tôi mắc đèn màu lên mấy chậu mai nữa là coi như trang trí xong rồi. Mẻ chuối khô tôi với con gái cũng phơi để sẵn trong nhà, tầm 28 tháng Chạp, 2 mẹ con sên thêm vài mẻ mứt”. Bà Kim Em cho rằng, không khí bận rộn chuẩn bị, người dọn dẹp nhà cửa, người loay hoay sên mứt trên bếp củi sau nhà tạo nên không khí tết của gia đình bà. Thiếu những điều đó, tết sẽ như bớt phần hương vị. Năm nào cũng vậy, dù bận bịu đến đâu, ông bà vẫn cố giữ nếp đón tết của gia đình.
Không chỉ các gia đình, chợ từ thành phố đến biên giới cũng rộn ràng, đủ loại hoa và hàng hóa (Trong ảnh: Chợ tại xã Mỹ Thạnh Đông ngày giáp tết)
Không chỉ ở các gia đình mà chợ từ thành phố đến biên giới ngày giáp tết cũng rộn ràng và tấp nập hơn ngày thường. Điểm nhấn nổi bật nhất có lẽ là khu vực bán hoa với đủ loại hoa rực rỡ sắc màu, trong đó, chợ tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, ngoài hoa tươi, cây cảnh đẹp mắt, còn có những chậu, cành hoa giả đa dạng màu sắc và đẹp không kém hoa thật. Chợ ngày giáp tết ở xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành cũng không kém phần sung túc với hoa vàng rực rỡ và nhiều loại trái cây, hàng hóa được bày bán với nhiều mức giá khác nhau. Những ngày này, chỉ cần đến chợ là thấy tết đã về ngay bên cạnh!
Đơn giản, đậm niềm vui
Không khí tết bắt đầu lan tỏa, mọi người tất bật chuẩn bị đón tết. Người tổng vệ sinh nhà cửa, giặt mền gối, chăm sóc cây kiểng ở sân vườn để kịp ra hoa ngay dịp tết; người làm mứt, kẹo, gói bánh, làm dưa kiệu,... bởi ai cũng mong muốn có một cái tết thật trọn vẹn. Và chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (32 tuổi), ngụ ấp 2, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ, cũng vậy. Mong muốn có một cái tết thật đủ đầy và tươm tất, chị Nhung chuẩn bị tết từ rất sớm. Đầu tháng Chạp, chị đã bắt đầu mua sắm quần áo mới cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, trong những ngày này, chị càng bận rộn hơn với việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa.
Chị Nhung tâm sự: “Gia đình tôi đón tết khá đơn giản nhưng những gì cần giữ gìn và có trong ngày tết thì cũng phải đầy đủ. Với tôi, những chậu hoa vạn thọ là một trong những thứ không thể thiếu trước cửa nhà, bởi thấy hoa vạn thọ trổ rực rỡ thì mới thấy tết. Do đó, tôi rất kỹ trong việc chọn những chậu hoa tết cho gia đình. Ngoài ra, tôi còn chuẩn bị bao lì xì cho con, cháu; bánh, mứt để tiếp khách và lên thực đơn cho những món ăn trong ngày tết. Trong đó, thịt kho tàu, khổ qua hầm, củ kiệu là những món luôn có trong 3 ngày tết”.
Chanh dịp tết đang được giá, anh Sơn tranh thủ chăm thêm ít ngày rồi lựa lứa trái “đúng vóc” hái bán lấy tiền sắm tết
Bên cạnh những gia đình chuẩn bị tết từ rất sớm thì cũng có nơi không khí tết vừa đến ngõ, chưa vào tận nhà. Những ngày này, đến thăm gia đình ông Huỳnh Văn Sơn, ngụ ấp Gãy, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, chúng tôi thấy vợ chồng ông còn tập trung chăm chút vườn chanh đang cho trái. Ông Sơn cho biết: “Chanh dịp tết đang được giá, gia đình tôi tranh thủ chăm thêm ít ngày nữa rồi lựa lứa trái “đúng vóc” hái bán lấy tiền sắm tết. Lứa trái chính phải qua tết mới thu hoạch được”. Theo ông Sơn, tết năm nay, gia đình ông sắm tết hơi muộn nhưng lại là một cái tết nhiều niềm vui. Vui bởi giá chanh đang ở mức cao, nếu giá ổn định đến qua tết, có thể gia đình sẽ thu được lợi nhuận khá hơn những năm trước. Đó cũng là niềm vui chung của người dân ấp Gãy. Là xã biên giới, còn nhiều khó khăn về đường giao thông nên không khí tết trong vùng không có sắc vàng rực rỡ của những đồng hoa vạn thọ. Tết vùng biên là những hàng mai vàng trước ngõ được lặt sạch lá, chờ ngày ra hoa và ít chậu vạn thọ nhà trồng góp chút hương xuân. Thỉnh thoảng có vài căn nhà được quét lên màu sơn mới.
Bà Nguyễn Thị Nhung, vợ ông Sơn, chia sẻ: “Ở đây, người dân hầu hết trồng chanh. Giá chanh dịp tết “nhích” lên một chút nên ai cũng bận bịu, thêm nữa do đường sá khó khăn, chủ yếu đi lại bằng xuồng nên không khí tết không bằng nơi khác nhưng dù bận bịu, tôi với mấy cháu cũng dành ít thời gian dọn dẹp nhà, chuẩn bị đón tết. Định bán chanh rồi mới đi chợ sắm sửa thêm”. Bà Nhung kể, xóm nơi bà ở chỉ hơn chục nóc nhà, đường sá khó khăn nên tết cũng đơn sơ hơn nơi khác. Tuy vậy, hàng xóm, người thân luôn giữ thói quen thăm, chúc tết nhau, nên tết luôn là những ngày vui!
Dù bận rộn với vườn chanh, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung vẫn dành thời gian dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết
Mùa xuân là mùa của sum vầy, hạnh phúc. Và tết trong ký ức nhiều người là cảm giác bận rộn mà náo nức ngồi canh nồi bánh trong đêm hay háo hức chờ món mứt trên bếp đang sôi bớt nóng để nhón tay ăn vụng. Niềm vui đón tết nhiều khi bình dị chỉ là cảm giác được xách giỏ hòa vào dòng người đi chợ tết, hít hà mùi vạn thọ nồng nồng, chọn mua vài loại trái cây về chưng mâm ngũ quả. Mỗi nơi, mỗi gia đình có một cách đón tết riêng, có nhà cầu kỳ chuẩn bị, có nhà đơn sơ, giản dị nhưng cốt yếu vẫn là giữ được cái “hồn”, niềm vui riêng biệt mà chỉ những ngày tết của quê nhà mới mang về được./.
Phương Phương - Ngọc Thạch