Mùa lũ năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Dê (xã Vĩnh Đại) bán chưa tới 500 cái lọp và không bằng nửa mọi năm
Lũ mỗi năm một thấp
Vài chục năm trước, nhắc đến mùa nước nổi là người ta nghĩ ngay đến cảnh những cánh đồng trắng xóa nước, không phân biệt được đâu là đường, kênh và ruộng. “Có những mùa lũ lớn như các năm 2000, 2001, 2002, 2011, kể cả khu vực được xem là cao nhất như thị trấn Mộc Hóa cũ nay là trung tâm thị xã Kiến Tường, thị trấn Vĩnh Hưng đến khu vực cuối nguồn như Thạnh Hóa, nước lũ cũng đổ về ngập trắng; phương tiện đi lại chủ yếu của người dân chỉ có xuồng, vỏ lãi. Có chỗ nước ngập sâu 2-3m. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, hầu như không còn một mùa lũ nào được xem là lũ lớn” - ông Nguyễn Văn Hữu, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, buồn bã nhớ lại.
Cũng theo ông Hữu, ngoài mang phù sa bồi đắp cho ruộng vườn thì mùa lũ về cũng mang cá, tôm,... và là kế sinh nhai của hàng ngàn hộ dân thời điểm đó. “Gia đình tôi không có ruộng đất nên mùa lũ về, thu nhập chính của gia đình nhờ nghề giăng lưới, giăng câu. Một mùa lũ bằng mấy mùa làm thuê. Mấy năm gần đây, lũ thấp nhưng vẫn còn kiếm ăn được. Riêng năm nay thì thua, cá ít, mỗi ngày gia đình tôi chỉ kiếm được từ 3-5kg cá, có bữa số cá thu được chỉ đủ phục vụ bữa cơm gia đình. Năm nay, xem như thất mùa cá” - ông Nguyễn Văn Hữu cho biết.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, ngụ ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, vùng rốn lũ của tỉnh, trước đây, bắt đầu tháng 7 Âm lịch là nước lũ đổ về tràn bờ nhưng hiện nay, có năm đến giữa tháng 8 Âm lịch, nước lũ mới bắt đầu mấp mé. “Năm nào đầu mùa lũ kết hợp mưa lớn thì lũ cao chứ mưa ít, nước lũ cũng chẳng được bao nhiêu. Mấy năm nữa không biết còn lũ không? Giờ mỗi mùa lũ đến, tôi chỉ thấy nhớ về những năm 2000 khi cá, tôm rất nhiều, người bán, kẻ mua tấp nập” - ông Nghĩa cho biết.
Nguồn lợi thủy sản ít dần
Cách đây 3 năm, thời điểm này, gia đình anh Nguyễn Văn Trang, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, không còn trống một cái chum nào bởi đã đầy những khạp mắm. Đa số đó là mắm cá linh. Năm ngoái, lũ thấp, gia đình anh cũng có vài khạp đủ để ăn quanh năm và chia lại cho người thân. Nhưng năm nay, dù cuối mùa lũ nhưng hơn chục chiếc chum vẫn nằm ở góc nhà.
“Năm nay ít cá quá, toàn cá mồi!” - anh Trang than thở sau chuyến đổ dớn về. 6 bộ dớn lớn sau 2 ngày anh chỉ thu được khoảng 20kg nhưng đa số là cá lòng tong, cá sặt. Ngồi lựa gần 2 tiếng đồng hồ, anh đếm chưa được 100 con cá linh, hơn 1kg cá mè vinh, vài con cá lóc,... Trong đó, cá lòng tong, cá sặt nhỏ thì chỉ bán làm cá mồi với giá 3-5 ngàn đồng/kg. Tính ra, hơn 20kg cá thu được, anh chỉ có vài chục ngàn đồng, không đủ so với số vốn bỏ ra cho 6 cái dớn. “Mùa trước, mỗi ngày tôi đổ dớn 1 lần, có khi 1 chiếc dớn cũng thu được cả chục ký cá. Trong đó cũng được vài ký cá linh. Nhưng năm nay chán quá, lũ thấp, cá ít. Chắc rồi, không biết tôi theo nghề được bao năm nữa...” - anh Trang buồn bã.
Cũng như những năm trước, năm nay, chuẩn bị đón lũ về, chị Hồ Thị Bé Tư, ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, quyết định lấy hơn 15.000 con cá lóc giống về thả nuôi. Đây là nghề truyền thống của rất nhiều người dân trong mùa lũ bởi chi phí đầu tư thấp, nguồn cá mồi dồi dào mang lại thu nhập đáng kể. Hơn chục năm nuôi cá theo mùa lũ nhưng chưa năm nào gia đình chị thấy khó như năm nay bởi nước lũ thấp, nguồn cá mồi ít và giá cao hơn mọi năm. Sau hơn 2 tháng thả nuôi, giờ là thời điểm các vèo cá của gia đình chị cần nhiều thức ăn nhất để cá phát triển. Ngày nào cũng đến chợ từ sớm để “săn” cá mồi nhưng mỗi ngày chị chỉ thu mua được 5-10kg, không đủ cho đàn cá nuôi ở nhà. Thiếu cá mồi, chị Bé Tư phải bấm bụng mua thêm cá biển về làm thức ăn cho cá lóc. “Trước, nguồn thức ăn để nuôi cá chỉ cần cá mồi là đủ, nay thêm cá biển, tính ra chi phí thức ăn cho cá tăng cao gấp 3-4 lần khiến những người nuôi cá như chúng tôi không còn lời lãi bao nhiêu” - chị Bé Tư khẳng định.
Ngoài nguyên nhân lũ thấp, cá ít, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt còn bởi những hình thức đánh bắt tận diệt bằng xung điện
Xã Vĩnh Đại là một trong số những nơi mà nghề làm lọp và đặt lọp mùa lũ có từ hàng chục năm qua. Cũng từ nghề làm lọp, gia đình ông Nguyễn Văn Dê (xã Vĩnh Đại) có cuộc sống đầy đủ. Hơn 10 năm trong nghề làm lọp, mỗi mùa lũ, gia đình ông bán hơn 1.000 cái. Người đến mua lọp chủ yếu là người dân địa phương và các mối lái ngoài chợ huyện. Nhưng năm nay, gia đình ông thất thu khi số lọp bán được chưa tới 500 cái. “Cứ đà này chắc nghề làm lọp cũng mai một theo từng mùa lũ” - ông Nguyễn Văn Dê than thở sau mùa lũ thấp.
Cá, tôm ngày càng khan hiếm khiến người dân vùng lũ càng khó khăn hơn trong kế sinh nhai, một phần lớn đến từ nguyên nhân lũ thấp nhưng có một thực tế là nhiều người vẫn vô ý thức khi sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt khiến nguồn lợi thủy sản vốn đã ít lại càng khan hiếm hơn./.
Vài năm gần đây, nước lũ về thấp khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Nước lũ không cung cấp đủ phù sa để bồi đắp cho đồng ruộng dẫn đến chi phí đầu tư trồng lúa của người dân tăng cao hơn. Bên cạnh đó, các loại sâu, bệnh, chuột cũng có nguy cơ hoành hành, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa. Lũ thấp cũng khiến nguồn lợi thủy sản khan hiếm. Trước đây lũ về, trên những cánh đồng vùng trũng của huyện, số lượng người địa phương và những hộ dân từ các huyện của tỉnh Đồng Tháp sang giăng câu, thả lưới, đặt dớn,... rất đông nhưng năm nay lũ thấp, chỉ còn vài hộ làm nghề cá. Thu nhập cũng giảm hơn trước rất nhiều do cá, tôm về ít. Thấy lũ về thấp ai cũng buồn!”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng
|
Nhật Minh - Văn Đát