Tiếng Việt | English

02/10/2015 - 09:36

Nỗi lo của những giáo viên ở trọ

Từ những vùng quê khác nhau, các giáo viên (GV) trẻ về huyện Đức Hòa nhận nhiệm sở. Do chưa có nhà công vụ, những GV ấy phải nhờ đồng nghiệp hoặc tự tìm nhà trọ.


Cô giáo Phan Phạm Ngọc Ngân cùng ở chung, nấu ăn chung với bạn nhằm giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng

Huyện Đức Hòa có nhiều khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nhà trọ vì thế cũng phát triển. Do đó, những GV xa quê không khó khăn trong việc tìm phòng trọ để ở, thế nhưng để tìm dãy trọ an toàn, yên tĩnh thì không mấy dễ dàng, đặc biệt tại khu vực thị trấn Đức Hòa và các xã công nghiệp.

Cô giáo trẻ Nguyễn Mỹ Nương, quê ở TP.Tân An, hiện là GV môn Vật lý tại Trường THCS Võ Văn Tần chia sẻ: "Về công tác tại trường năm 2014, tôi nhờ các thầy cô đồng nghiệp, người ở địa phương chỉ chỗ trọ tin cậy, nhưng vì dãy nhà trọ nào cũng có nhiều thành phần nên sự lựa chọn gần như không có gì khác biệt lớn. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp, Ban Giám hiệu nhà trường, tôi cũng dần thích nghi với môi trường mới và vượt qua những vất vả ban đầu. Tuy nhiên, lo lắng hiện nay là tình hình an ninh của dãy nhà trọ vì nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng mất đồ, mất xe,... Theo như các GV khác chia sẻ, tình trạng này hầu hết các dãy nhà trọ đều có nên tôi chỉ có thể cẩn thận hơn".

An ninh trật tự luôn là nỗi lo lắng của các GV ở trọ, bởi lẽ sau những giờ đứng lớp mệt nhọc, họ mong muốn có không gian yên tĩnh để soạn bài, nghỉ ngơi. Thế nhưng, ở tại các dãy nhà trọ thì khó tìm được điều đó, vì khu nhà trọ luôn đông người, nhất là lúc tan ca… sẽ ảnh hướng đến không gian riêng tư của các phòng còn lại.

Cô giáo Phan Phạm Ngọc Ngân, quê ở Cần Đước, hiện là GV Trường THCS Võ Văn Tần lại chọn cách ở cùng phòng trọ với một GV xa quê khác để giảm chi phí hằng tháng trong căn phòng trọ khoảng 12m2 nằm sâu trong những con hẻm nhỏ. Ngân chia sẻ, tiền trọ 600 ngàn/tháng, ở chung với bạn cùng chia nhau nên cũng giảm được phần nào. Do tiền lương GV mới ra trường thấp nên mỗi khi lãnh lương, Ngân thường tính toán các khoảng phí phải trả để có mức chi tiêu hợp lý. Với đồng lương không nhiều, nhưng nhờ khéo léo trong cách chi tiêu, Ngân cũng dành dụm được ít tiền. Ngân cũng như Nương mong muốn có được nhà công vụ để ở vừa an toàn, vừa giảm chi phí.

Không riêng Nương, Ngân các GV xa quê khác cũng cùng chung những nỗi lo chi phí sinh hoạt, vấn đề an ninh phòng trọ vì có quá nhiều thành phần ở tại các dãy nhà trọ. Điều họ mong muốn là tìm được dãy nhà trọ an ninh, phù hợp túi tiền hay có được nhà công vụ để ở. Có như vậy, những gánh nặng của GV mới được trút bỏ hoàn toàn và an tâm hơn trong công việc dạy học!

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết
  • các huyện khác đều có nhà công vụ nhưng Đức Hòa thì không có. Năm 2008 mình nhận công tác ở ĐH ,lương được 1.140.000đ.giá thuê nhà trọ là 200.000đ. Mình ko thuê nổi phải xin ở trong nhà kho của trường học. Diện tích chung 9m2 mà có tới 4 người ở chung.chỉ đủ để 1 cái giường , sinh hoạt chật chội vô cùng.... bữa ăn chiều thường là món mì gói nấu với rau (tự trồng). Ngon ơi là ngon, chiều tan trường là nho có, hai rau ca hát ngêu ngao....vất vả mà cuộc sống rất vui... mong sao các ngành, các cấp xem xét mà xây dựng nhà công vụ cho các trường học để cuộc sống của GV được cải thiện hơn....

    Ha Trang - Cách đây 8 năm


Liên kết hữu ích