Vang bóng một thời
Năm 1982, Đoàn Xiếc NDLA được thành lập với trụ cột là những NS tên tuổi của Liên đoàn Xiếc. Suốt từ đó đến nay, đoàn trải qua bao thăng trầm với nhiều lớp NS. Nghề nghiệp khắc nghiệt, có người rời bỏ, có người trụ lại. Còn tên Đoàn Xiếc NDLA thì đi sâu vào lòng khán giả bằng tất cả sự yêu thương.
Các lớp nghệ sĩ nối tiếp nhau của Đoàn Xiếc nhân dân Long An đều là tự đào tạo. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Chiến là thầy của hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên xiếc tại đoàn (Trong ảnh: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Chiến hướng dẫn diễn viên trẻ Hoàng Yến)
Phó Trưởng đoàn Xiếc - NS ưu tú Nguyễn Văn Chiến nhớ về những ngày vàng son của đoàn: “Ngày trước, một năm đoàn diễn đến 10 tháng, đi khắp các tỉnh trong nước, lưu diễn cả ở nước ngoài”. Đó cũng là thời điểm Đoàn Xiếc NDLA tỏa sáng cùng các tên tuổi: NS ưu tú Thái Mạnh Hiển (giờ là NS nhân dân), NS Nguyễn Văn Phú (giờ là cố NS ưu tú), NS Nguyễn Văn Chiến (giờ là NS ưu tú),... Bằng tất cả tình yêu nghề, từng lớp NS dìu dắt, hướng dẫn nhau trưởng thành, xây dựng thương hiệu Đoàn Xiếc NDLA trong lòng khán giả trong và ngoài nước.
Những năm tháng đó, đoàn có thể tự dàn dựng và biểu diễn kịch xiếc - một thể loại khó và công phu, cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa xiếc, kịch, âm nhạc,... Vở kịch xiếc Thạch Sanh của đoàn khi đi lưu diễn được khán giả trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt. Ngày nay, để xây dựng thành công một vở kịch xiếc, không nói về nhân lực, chỉ tính riêng kinh phí có thể lên đến cả tỉ đồng! Chính vì thế, đoàn chưa thể xây dựng lại kịch xiếc như thời gian trước.
Không chỉ kịch xiếc, một số tiết mục từng “làm mưa làm gió” của đoàn cũng đành "rút" tên khỏi danh sách biểu diễn: Đu bay, xiếc thú,... NS Nguyễn Văn Chiến trầm ngâm: “Do thay đổi về nhân lực cũng như nơi tập luyện không bảo đảm, một số tiết mục không được duy trì. Nhưng khi cơ sở vật chất được đầu tư, có kinh phí, tất nhiên đoàn sẽ diễn lại”. Đó cũng là kỳ vọng của NS xiếc thú Ngô Tấn Tài - NS gắn bó với đoàn từ những ngày đầu. Tất cả thú xiếc trong đoàn: Chó, khỉ, ngựa, gấu,... đều là “bạn” và “học trò” của anh. Tay anh chi chít những vết sẹo do bị “học trò” cắn nhưng với anh, đó là niềm vui, là hạnh phúc của nghề.
Từng đoạt Huy chương Bạc về xiếc khỉ tại Liên hoan Xiếc toàn quốc, nhưng hiện tại, NS Tấn Tài lại chuyên diễn hề và tham gia xiếc người, do thú xiếc của đoàn không còn nữa. Anh chia sẻ: “Giờ, đoàn chỉ còn khỉ và chó. Nhưng chúng cũng già hết rồi, không biểu diễn được nữa. Thỉnh thoảng chỉ diễn vài tiết mục...”.
“Con tằm nhả tơ”
Bao nhiêu công sức bỏ ra của các NS chỉ để đổi lại sự yêu thương của khán giả, vì “Lúc theo nghề rồi thì chỉ còn biết đam mê với nghề thôi chứ không còn gì nữa!” - NS Tống Đức Nhân khẳng định. Có lẽ, đó là động lực lớn nhất giúp những NS, đặc biệt là nữ NS có thể tham gia những chuyến lưu diễn hết tỉnh này đến tỉnh khác suốt nhiều tháng liền không ngơi nghỉ.
NS Nguyễn Thị Hoài nhớ lại: “Hồi con mới 5 tháng tuổi, tôi ẵm con đi lưu diễn ở Đắk Lắk. Mẹ diễn trên sân khấu thì con ngủ trong cánh gà. Anh chị em nào rảnh thì trông con giúp. Đến tuổi đi học, tôi gửi con ở nhà người chị mỗi khi lưu diễn”. Chị Hoài không phải là trường hợp duy nhất mang con theo trong những ngày lưu diễn mà hầu như nữ NS nào cũng vậy. Và chuyến đi nào của đoàn cũng có vài em nhỏ đi theo. Thường là các em còn bú mẹ hoặc quá nhỏ để có thể gửi người khác trong thời gian dài. Chính vì thế, các em theo cha mẹ đi hết tỉnh này sang tỉnh khác, cùng chịu khó khăn, vất vả với đoàn,...
NS Nguyễn Văn Chiến cho biết, mỗi chuyến đi xa, đoàn có thuê phòng nghỉ cho các NS nữ. Riêng NS nam phải sinh hoạt, nghỉ ngơi tại rạp. Sau mỗi đợt diễn, anh em NS cùng nhau làm công tác hậu đài để tiết kiệm chi phí cho đoàn. Anh nói: “Ở đoàn xiếc, tất cả cán bộ, nhân viên đều như một gia đình. Đoàn kết cùng nhau chia sẻ khó khăn”. Đó cũng là một trong những “chất keo” gắn kết NS với nghề. Nếu không, chắc rất ít người chọn theo nghề xiếc. Bởi đó là một nghề đặc thù với nhiều khó khăn, vất vả. “Nghề này có độ tuổi vào nghề rất trẻ nhưng thời gian phục vụ trong nghề lại không dài. Khoảng từ 15 đến 20 năm. Khi đến độ tuổi nhất định, NS rất khó có thể tiếp tục biểu diễn vì sức khỏe không cho phép. Nếu lúc đó, các anh chị không được sắp xếp lại việc làm thì đó là điều buồn nhất của người theo nghề xiếc” - anh Chiến cho biết thêm.
Để khắc phục “cái buồn” đó, Đoàn Xiếc NDLA cũng như lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cố gắng tạo điều kiện cho các NS vừa học nghề, vừa học văn hóa. Đó là nền tảng có thể sắp xếp công việc phù hợp sau này, cũng nhằm giúp các NS khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến và phục vụ. Mới đây, UBND tỉnh có đề án cấp kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở, nơi ở của các NS Đoàn Xiếc NDLA. Đó là tin mừng dành cho những người đang “nặng nợ” với nghề. Dẫu biết rằng khó khăn vẫn còn đó rất nhiều.
Vất vả “nối dây nghề”
Không chỉ vất vả vì nghề, Đoàn Xiếc NDLA còn đối mặt với khó khăn trong việc tuyển mới và đào tạo. Có hơn 30 năm theo nghề, anh Nguyễn Văn Chiến là thầy của hầu hết NS đang làm việc tại đoàn. Gắn bó với đoàn từ những ngày đầu thành lập, anh là người trực tiếp tuyển chọn và hướng dẫn học viên trong suốt 3-4 năm luyện tập, học nghề. Thỉnh thoảng, đoàn hợp tác hoặc nhận giúp đỡ từ Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam về giáo viên. Mỗi đợt học hoặc tập huấn có thể kéo dài vài tháng hoặc hơn. Phần còn lại đều là nỗ lực tự thân của các NS trong đoàn.
Anh Chiến là người trực tiếp “đứng lớp” hướng dẫn học sinh của mình từ đại cương đến đạo diễn tiết mục. Anh Tống Đức Nhân - NS có hơn 11 năm gắn bó với nghề, kể: “Thầy Chiến là người trực tiếp dạy tất cả người mới ở đây. Có đợt 5-10 người, có khi chỉ có 1-2 người. Thầy đều cầm tay hướng dẫn từng người một”. Cứ thế, các thế hệ NS xiếc của Đoàn Xiếc NDLA dìu dắt nhau xây dựng đoàn trở thành đoàn xiếc danh tiếng trong nước, dù con đường theo nghề còn lắm gian nan.
Đến thăm nơi tập luyện của các anh chị, đó chỉ là một hội trường rộng, nền lát gạch được trải một lớp thảm mỏng. Điều đó khá nguy hiểm vì hầu như các NS không được bảo vệ gì trong quá trình luyện tập. Hội trường không có giàn sắt phía trần nên không thể tập luyện các tiết mục đu dây, nhào lộn. Với tiết mục diễn trên cao, anh em phải tập ngoài trời với bảo hiểm sơ sài. Có trường hợp NS của đoàn gặp tai nạn trong quá trình tập luyện và biểu diễn các tiết mục trên cao. Anh Chiến kể: “Trước đây, NS Nguyễn Thanh Dũng trong một lần tập đu dây, không may bị ngã, chấn thương cột sống. Từ đó, dù yêu nghề nhưng anh không thể biểu diễn được nữa”. Thời gian gần đây, NS Công Chí cũng gặp tai nạn khi đang biểu diễn tiết mục đu dây. Cú rơi từ độ cao hơn 3m khiến anh phải nghỉ dưỡng suốt mấy tháng liền. Chị Đoàn Thị Thanh Thúy - người có hơn 15 năm biểu diễn xiếc, cho biết: “Việc té sưng tay, trật khớp là chuyện bình thường với chúng tôi. Đó như là một phần của nghề nghiệp!”.
NS Nguyễn Văn Chiến tâm sự: “Để có được một tiết mục đã khó, xây dựng một tiết mục “đẳng cấp” lại càng khó hơn. Các NS không chỉ tập luyện kỹ thuật thuần thục mà từng động tác trong tiết mục phải được giới nghệ thuật công nhận thì mới được”. Có lẽ vì những yêu cầu khắt khe đó mà với mỗi tiết mục các NS của Đoàn Xiếc NDLA phải tập luyện đến hàng năm, thậm chí nhiều năm. Và khi tiết mục được công diễn luôn nhận được sự yêu mến nhiệt tình từ khán giả./.
Những thành tích đoàn xiếc nhân dân long an từng đạt:
- Giải nhất, nhì, ba Liên hoan Xiếc toàn quốc năm 1987;
- 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng Liên hoan Xiếc toàn quốc năm 2002;
- 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc Liên hoan Xiếc toàn quốc năm 2006;
- Giải Diễn viên trẻ triển vọng cuộc thi Tài năng xiếc trẻ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2009;
- Huy chương Bạc cuộc thi Tài năng xiếc trẻ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2015;
- Huân chương Lao động hạng Ba;
- Cờ lao động xuất sắc nhiều năm liền. |
Phương Phương