Sách là một trong những kênh đáng tin cậy về giáo dục giới tính
Những cuộc trò chuyện cởi mở
Đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý khi phát hiện con có những dấu hiệu lạ như hay lo lắng, hoang mang và sống khép kín hơn trước, chị Nguyễn Ngọc Hoa (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) khá bất ngờ khi biết con muốn trao đổi về giới tính. Thằng bé học lớp 5, độ tuổi mà nhiều cha mẹ cho rằng chưa biết gì về giới tính.
Khi đến trung tâm tư vấn, bé muốn một mình vào phòng nói chuyện với chuyên gia tâm lý để mẹ không biết được nội dung cuộc trao đổi. Vấn đề chính dẫn đến việc thằng bé lo lắng, hoang mang là cách đó không lâu, em đi vệ sinh, chạm vào bộ phận sinh dục của mình và trong lúc đùa giỡn, vô tình chạm vào bộ phận sinh dục của một bạn nữ. Thằng bé cho rằng, điều này có thể dẫn đến quá trình thụ thai gián tiếp.
Có lẽ nhiều người sẽ phì cười vì suy nghĩ trẻ con đó nhưng ở tuổi này, các em bắt đầu tìm hiểu về giới tính, nếu không được giải thích rõ ràng sẽ hoang mang, lo lắng và tự tìm qua các kênh thông tin khác, trong đó có mạng xã hội. Tuy nhiên, thông tin từ mạng xã hội thì “thượng vàng hạ cám”, có cả những thông tin độc hại. Khi các con tiếp cận nguồn thông tin này, hậu quả sẽ khôn lường.
Thật ra, ở lứa tuổi tiểu học, các em đã bắt đầu tò mò về giới tính trong khi cha mẹ cứ cho rằng con mình còn nhỏ nên không trao đổi thẳng thắn về vấn đề sinh lý. Bạn tôi có lần lúng túng trước câu hỏi của đứa con gái học lớp 4: “Bao cao su là gì vậy mẹ?” và rồi, bạn tôi ậm ờ cho qua chuyện. Đến khi vô tình sử dụng máy tính bảng của con, thấy trong lịch sử tìm kiếm trên Google có cụm từ “bao cao su”, bạn tôi lo lắng thật sự và bắt đầu giải thích cho con hiểu rõ hơn. Chính thái độ cởi mở của người mẹ làm cho con gái thoải mái hơn khi nói chuyện về giới tính.
Trò chuyện với con về giới tính là câu chuyện “mưa dầm thấm lâu”. Trong câu chuyện đó, cha mẹ phải cởi mở và đặt mình vào vị trí của con. Trần Nhi Thảo (phường 2, TP.Tân An) hiện là du học sinh Thụy Sĩ, chia sẻ: “Lần đầu tiên mẹ nói với mình về quan hệ tình dục là năm lớp 10 khi biết mình có bạn trai. Không biết các bạn khác thế nào chứ lúc đó, mình thật sự bối rối. Mẹ giải thích thế nào là quan hệ tình dục an toàn.
Mình từng nghĩ sao mẹ lại “vẽ đường cho hươu chạy” nhưng sau này, mình thấy những kiến thức đó thật bổ ích và có lẽ ít người mẹ nào trao đổi với con thẳng thắn như vậy”. Chị Trần Hà Anh (mẹ của Nhi Thảo) nói: “Làm mẹ đơn thân, một mình nuôi Nhi Thảo lớn lên nên có lẽ, từ chính hoàn cảnh đặc biệt của mình mà tôi muốn trang bị cho Nhi Thảo những kiến thức về giới tính để có thể tự bảo vệ bản thân”.
Tâm lý chung của những bậc cha mẹ khi biết con có tình cảm với bạn khác giới thường là la mắng, cấm đoán. Ở độ tuổi dậy thì, các em bắt đầu có những rung động với bạn khác giới, nếu không nhận được sự định hướng từ cha mẹ mà lại bị cấm đoán, tất nhiên các em sẽ không chia sẻ và tự hành động theo suy nghĩ, cảm xúc của mình. Chính vì thế mà để lại hậu quả đau lòng.
“Vẽ đường” để “hươu” chạy đúng
Những ngày vừa qua thật nặng nề đối với T.T. (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) khi gia đình phát hiện em mang thai ở tuổi 15. T.T. từng là học sinh Trường Cao đẳng Long An, khi phát hiện mình mang thai, em hoang mang, sợ các bạn cùng trường biết nên nghỉ học. Điều đáng buồn, khi T.T. mang thai đến tháng thứ 6, gia đình mới phát hiện mặc dù hàng ngày em vẫn sống chung nhà với cha mẹ. Hậu quả này do T.T. gây ra nhưng giá như em được trang bị những kiến thức về giáo dục giới tính, quan hệ tình dục an toàn thì có lẽ không xảy ra việc mang thai ngoài ý muốn ở độ tuổi 15.
Trường hợp của T.T. không phải là cá biệt bởi thỉnh thoảng, vẫn có học sinh nữ mang thai, nghỉ học. Và trách nhiệm chính là của người lớn. Như trường hợp của T.T., khi chuyện vỡ lỡ mới hay mỗi tối, em vẫn ngủ chung với mẹ nhưng người mẹ lại không phát hiện những thay đổi trên cơ thể của con mình. Trong suy nghĩ của mẹ, T.T. vẫn là một đứa trẻ và mẹ của T.T. cũng chưa từng trò chuyện với em về giới tính.
Nhiều bậc cha mẹ do tất bật lo cho cuộc sống mà ít quan tâm đến sự phát triển của các con, chưa đồng hành cùng con qua tuổi dậy thì để những đứa trẻ tự tìm hiểu về giới tính trong sự tò mò từ các thông tin trên mạng và chưa biết chắt lọc thông tin đúng. Đã có một số trường hợp trẻ vị thành niên mang thai ngoài muốn nhưng lại không dám nói với gia đình mà âm thầm đến những cơ sở nạo, phá thai tư nhân. Các em chưa lường trước được những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, nhất là nguy cơ có thể dẫn đến vô sinh.
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này, 30% là phụ nữ từ 15-19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm, cả nước có 1,2-1,6 triệu ca nạo, phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Thậm chí, có những sản phụ chỉ mới 12-13 tuổi, độ tuổi mà cơ thể các em còn chưa phát triển hoàn thiện.
Nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ giáo dục giới tính là việc của nhà trường nhưng thực tế, cha mẹ mới là người gần gũi các con. Điều quan trọng là làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ với các con, từ đó, con có thể thoải mái chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như những thắc mắc của tuổi mới lớn.
Một thực tế, dù rằng cha mẹ, thầy cô hay người lớn có quan tâm hay không muốn đề cập đến thì việc quan hệ tình dục của giới trẻ ngày nay đã diễn ra sớm hơn rất nhiều so với các thế hệ trước đây. Và nếu không được giáo dục giới tính thì hậu quả để lại sẽ rất nặng nề, ảnh hưởng đến cả tương lai của các em. Thế nên, “vẽ đường” để “hươu” chạy đúng vẫn hơn là để “hươu” lạc đường./.
Tâm Yên