Giáo dục giới tính cho con là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Đây không phải việc “ngày một ngày hai” mà cần phải có thời gian và được thực hiện thường xuyên. Hệ lụy của việc không được giáo dục giới tính hoặc chỉ được giải thích qua loa, “không tới”,... khiến một số nữ sinh phải làm mẹ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đó còn là nỗi đau âm ỉ khi tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên chưa có dấu hiệu giảm.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), số ca mang thai tuổi vị thành niên những năm gần đây chưa có xu hướng giảm, chiếm 2,5-3% tổng số phụ nữ mang thai. Mỗi năm, có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập. Con số này thực tế có thể cao hơn nhiều do các ca phá thai được thực hiện tại các cơ sở tư nhân không thể thống kê. Một nghiên cứu khác năm 2014 cho thấy, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên tại TP.Hà Nội là 0,4%, năm 2022, con số này là 1,08%.
Việc có thai ngoài ý muốn, phá thai ở tuổi vị thành niên để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe và cả tương lai của các em. Di chứng của những lần phá thai, nhất là tại những cơ sở y tế tư nhân không bảo đảm nhân lực, vật lực,... đã khiến một số phụ nữ sau này không thể mang thai, thậm chí đã có trường hợp mất mạng khi phá thai “chui”.
Khi sớm quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến việc có thai ngoài ý muốn, phần lớn các nữ sinh không thể tiếp tục con đường học vấn và trải qua cuộc khủng hoảng tinh thần, có em rơi vào trầm cảm. Thanh thiếu niên mang thai cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao hơn ở tuổi trưởng thành bất kể kết quả (do phá thai hoặc sinh con) của thai kỳ. Nỗi đau thể xác và tinh thần theo các em trong một khoảng thời gian dài sau đó mà không phải ai cũng có thể vượt qua, cũng có trường hợp trượt dài vào con đường ăn chơi, lêu lổng sau cú sốc tâm lý mang thai ngoài ý muốn, phá thai. Thế nên việc trang bị đầy đủ kiến thức để trẻ vị thành niên có thể tự bảo vệ sức khỏe, đồng thời tránh tổn thương về mặt tâm lý sau này là điều cần thiết.
Giáo dục giới tính, tuyên truyền tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản,... là những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ rất ngại khi nói với con về giới tính. Thậm chí khi con thắc mắc, cha mẹ thường ậm ờ cho qua. Chính việc không được giải thích cặn kẽ, hướng dẫn các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản,... nhiều em tự tìm hiểu từ vô số thông tin trên mạng mà không phân biệt được đâu là thông tin đúng. Chính sự mù mờ đó đã dẫn đến một số trường hợp quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn.
Phụ huynh thường nghĩ giáo dục giới tính là việc của thầy, cô giáo, tuy nhiên, những kiến thức về giáo dục giới tính tại nhà trường không nhiều và chỉ lồng ghép trong một số môn học. Mặt khác, một giáo viên phải quản lý rất nhiều học sinh và đảm nhận nhiều công việc từ chuẩn bị bài giảng, lên lớp và những công việc khác liên quan đến chuyên môn nên không thể quan tâm đến từng học sinh, nắm bắt được hết tâm tư, tình cảm của các em. Chính cha mẹ phải trang bị cho con những kiến thức về giới tính. Để có thể thoải mái trao đổi với các con về vấn đề này, trước tiên, cha mẹ phải vượt qua được những định kiến cho rằng đề cập đến giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”, bởi vẽ đường để “hươu” chạy đúng còn hơn là bị “lạc đường”.
Có một thực tế là việc quan hệ tình dục của giới trẻ ngày nay đã diễn ra sớm hơn rất nhiều so với các thế hệ trước đây. Thế nên, trang bị kiến thức về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản để các con tự bảo vệ mình và có cái nhìn đúng hơn về giới tính là việc cần làm.
Giáo dục giới tính không bao giờ là thừa và việc này cần phải được thực hiện ngay khi trẻ bắt đầu tò mò, tìm hiểu về giới tính. Thường thì ở độ tuổi tiểu học, các em đã thắc mắc về giới tính và từng độ tuổi khác nhau, vì vậy, cha mẹ, giáo viên phải có cách giáo dục phù hợp để các em nhận thức đúng về giới tính, từ đó, có những hành động đúng hơn./.
Tâm An